Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung: Mẹ bầu cần biết!

Một ngày bạn đi khám thai và được bác sỹ thông báo em bé của bạn nhẹ cân hơn so với các cùng tuổi thai, cùng với đó là chẩn đoán thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Bạn lo lắng kèm hoang mang, vậy sức khỏe bé có ổn không? Hay chỉ nhẹ cân mà thôi? Liệu bằng cách nào giúp bé tăng cân nhiều hơn? Vô vàn câu hỏi xuất hiện trong đầu bạn. Qua đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An sẽ giải đáp các thắc mắc cụ thể trong bài viết dưới đây:
1. THAI CHẬM TĂNG TRƯỞNG LÀ GÌ?
- Đây là tình trạng mà sự phát triển của thai bị chậm hơn so mức mà nó kỳ vọng đạt được.
- Xảy ra ở 10% thai kỳ, là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tử vong chu sinh và sơ sinh.
2. CHẨN ĐOÁN
- Chủ yếu dựa vào SIÊU ÂM đánh giá tăng trưởng thai. Sau khi siêu âm, bác sỹ sẽ nhắc tới khái niệm BÁCH PHÂN VỊ.
- Ứng với cân nặng khi siêu âm mà bé có giá trị bách phân vị tương ứng. Thông thường em bé có cân nặng dưới bách phân vị thứ 10 là nhỏ. Tuy nhiên để phân biệt được một em bé bị suy dinh dưỡng, ốm yếu với một em bé tuy nhỏ nhưng là lại mạnh khoẻ lại là một điều không dễ dàng và chỉ dựa vào cân nặng thôi là chưa đủ. Người ta còn dựa vào nhiều chỉ số khác để đánh giá và theo dõi xem em bé của bạn có thực sự bị “chậm tăng trưởng” như:
• Nước ối
• Chỉ số doppler mạch máu
• Siêu âm chuyên sâu đánh giá chi tiết xem thai có bị dị tật gì hay không
3. NGUYÊN NHÂN nào gây thai chậm tăng trưởng??
- Có phải do mẹ ăn ít nên con mới nhỏ không? Đó là câu hỏi mà các mẹ thường nghĩ tới nhiều nhất khi biết thai nhỏ. Tuy nhiên nó chỉ ảnh hưởng phần nào, còn rất nhiều nguyên nhân khác
- Từ mẹ:
• Mẹ mắc một số bệnh lý nội khoa như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu, suy thận mạn, lupus ban đỏ hệ thống, hen suyễn…
• Mẹ quá gầy, ăn uống thiếu thốn hoặc hút thuốc lá, nghiện rượu bia hay ma tuý
- Từ thai:
• Nhiễm trùng bào thai
• Dị tật thai
• Bất thường về gen hay nhiễm sắc thể.
4. ĐIỀU NÀY ẢNH HƯỞNG ĐẾN EM BÉ CỦA TÔI NHƯ THẾ NÀO?
- Nguy cơ lớn nhất mà các bác sĩ lo sợ là thai mất trong bụng mẹ! Tình trạng kiệt quệ nguồn dinh dưỡng nuôi thai có thể vượt quá khả năng chịu đựng của thai và do đó bác sĩ có thể cho bạn sinh sớm hơn dự định. Những em bé quá nhỏ hay quá non tháng có thể cần phải được bác sĩ nhi sơ sinh chăm sóc tích cực và có thể gặp nhiều vấn đề như:
• Hạ đường huyết
• Hạ thân nhiệt
• Nhiễm trùng sơ sinh
• Vàng da
• Suy hô hấp
• Tổn thương thần kinh
5. TÔI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC GÌ ĐỂ GIÚP CHO CON
- Khám thai định kỳ theo lịch của bác sỹ: giúp bác sỹ theo dõi và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn và đưa ra kế hoạch quản lý thai nghén thích hợp.
- Hãy để ý đến những chuyển động của bé (thai máy): Việc theo dõi chuyển động của em bé trong thai kỳ là rất quan trọng. Hãy tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.
- Ăn uống lành mạnh: Thực phẩm lành mạnh và lượng calo dồi dào giúp con bạn được nuôi dưỡng tốt.
- Nghỉ ngơi nhiều: cố gắng ngủ đủ 8 tiếng (hoặc hơn) mỗi đêm. Một hoặc hai giờ nghỉ ngơi vào buổi chiều cũng rất tốt cho bạn.
- Tập thói quen sống lành mạnh: Nếu bạn uống rượu, dùng ma túy, hoặc hút thuốc, hãy dừng lại vì sức khỏe của thai nhi.
6. TÌNH TRẠNG THAI CHẬM TĂNG TRƯỞNG TRONG TỬ CUNG CÓ ẢNH HƯỞNG GÌ ĐẾN VIỆC SINH CON?
- Đa số những phụ nữ có thể thử sinh ngả âm đạo, tuy nhiên trong trường hợp này nhiều khả năng mẹ sẽ được khuyên sinh sớm hơn so với ngày dự sinh.
- Một số bé còn quá nhỏ để có thể an toàn sinh từ ngả âm đạo và phải chuyển mổ lấy thai. Vì vậy bác sỹ sẽ tư vấn cho mẹ phương pháp sinh tốt nhất với tùy trường hợp của mẹ và con.
- Trường hợp này mẹ có thể được khuyên sinh mổ tùy thuộc vào thời điểm và cách thức sinh con, mẹ có thể được cung cấp thuốc trưởng thành phổi để giúp phát triển phổi của thai nhi trong khoảng từ 24-34 tuần cho những thai kỳ có nguy cơ sinh non. Mẹ cũng có thể được cung cấp magie sulphat, một loại thuốc được dùng trước khi sinh để giảm nguy cơ bại não khi trẻ sinh non dưới 32 tuần.
 
 
 
 
 

Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 141
Tổng số lượt truy cập: 6057166