Tăng bao nhiêu cân trong thời kỳ là hợp lý?
Tăng cân là biểu hiện tích cực cho thấy sự phát triển của thai nhi. Tình trạng tăng cân phụ thuộc vào từng giai đoạn thai kỳ và dinh dưỡng của người mẹ trước khi mang thai.
Nếu người mẹ không tăng đủ cân trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng trong tử cung. Thời gian mang thai không phải là khoảng thời gian thích hợp để giảm cân giữ dáng. Ngược lại tăng cân quá nhiều dễ dẫn đến nguy cơ: tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, khó sinh, tăng tỉ lệ sinh mổ, trĩ, rạn bụng, trẻ sinh ra dễ mắc đái tháo đường.
Sự tăng cân trong thai kỳ bao gồm những yếu tố sau:
- Trẻ: 3200g - 3600g
- Nhau thai: 500g - 900g
- Dịch ối: 900g
- Sự phì đại tuyến vú: 500g
- Tử cung: 900g
- Thể tích máu được gia tăng: 1400g
- Mỡ cơ thể: 2300g
- Mô và dịch cơ thể tăng 1800g – 3200g
Hướng dẫn chung để theo dõi cân nặng khi mang thai:
- Với tình trạng dinh dưỡng bình thường (BMI 18,5 - 24,9): người mẹ nên tăng 10 – 12 kg. Cụ thể: Quý I: tăng1 kg, quý II: tăng 4-5 kg, quý III: tăng 5-6 kg. Đối với song thai nên tăng 17 -25kg.
- Với tình trạng dinh dưỡng gầy (BMI <18,5): mức tăng cân nên đạt 25% so với cân nặng trước khi mang thai.
- Với tình trạng dinh dưỡng thừa cân hoặc béo phì (BMI >= 25): mức tăng cân nên đạt 15% so với cân nặng trước khi mang thai.
Người mẹ nên duy trì cân nặng khỏe mạnh trước và trong khi mang thai bằng một chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý. Điều này sẽ giúp thai nhi phát triển ổn định.
Mẹ bầu cần khám thai thường xuyên để theo dõi đầy đủ sự phát triển của thai nhi, tình trạng thai kỳ và cân nặng của bản thân trong thai kỳ. Thông qua các thông số đó các bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên hợp lý cho thai kỳ.
Để bảo vệ sức khỏe mẹ và chăm sóc thai nhi toàn diện quý khách hãy đến Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An – Tầng 1 tòa nhà 7 tầng khối Phụ Sản.
Địa chỉ: Số 19 Tôn Thất Tùng, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Email: cdtssannhinghean@gmail.com
SĐT: 0914.796.228