Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Rối loạn ngôn ngữ và lời nói

Các rối loạn về ngôn ngữ và lời nói đang có xu hướng tăng lên trên thế giới và tại Việt Nam. Rối loạn ngôn ngữ được định nghĩa là các vấn đề ngôn ngữ hiểu và/ hoặc diễn đạt ở các lĩnh vực hình thức, nội dung và cách sử dụng ngôn ngữ, xảy ra dai dẳng và gây ra tác động đáng kể đến cuộc sống hằng ngày và tiến bộ học tập của trẻ. Các vấn đề ngôn ngữ có thể liên quan đến những khó khăn về ngữ pháp (tức là cú pháp), ngữ nghĩa (gồm từ vựng), âm vị (tức là các quy tắc và hệ thống tạo âm thanh lời nói) và ngữ dụng (tức là việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp và các bối cảnh xã hội). Chậm ngôn ngữ diễn đạt có thể xảy ra đơn thuần nhưng thường thì chậm ngôn ngữ diễn đạt và tiếp nhận thường xảy ra đồng thời. Các vấn đề lời nói có thể bao gồm nói lắp hoặc rối loạn lưu loát, rối loạn cấu âm, rối loạn giọng. Các vấn đề về ngôn ngữ và lời nói có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc đồng thời với nhau. Ước tính có khoảng 7% trẻ em mắc các rối loạn ngôn ngữ và lời nói. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ không nhận được can thiệp là khá cao, lên đến 40 – 60% ở nhiều báo cáo.

 

Hình ảnh minh họa.


 

Rối loạn ngôn ngữ và lời nói ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và khả năng học tập của trẻ, ảnh hưởng đến việc học chữ viết, việc tiếp thu kiến thức ở trường và trong đời sống xã hội. Nghiên cứu cho thấy, trẻ em độ tuổi mầm non có chậm ngôn ngữ và lời nói có nguy cơ cao gặp các vấn đề về học tập khi đến tuổi học đường, cụ thể các em có thể gặp khó khăn về đọc, viết. Điều này dẫn đến việc giảm thành tích học tập chung. Ngoài ra trẻ có rối loạn phát triển ngôn ngữ và lời nói còn có thể gặp nhiều vấn đề khác về hành vi và khả năng kiểm soát, điều chỉnh cảm xúc xã hội.

 

Việc sàng lọc để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời được cho là quan trọng để giúp trẻ đạt được mức ngôn ngữ và lời nói phù hợp, hạn chế đến mức tối thiểu những khó khăn khi đến tuổi đi học và trưởng thành. Nhiều công cụ được sử dụng rộng rãi trên thế giới và cũng đã được chuyển ngữ sang Tiếng Việt để sàng lọc nhiều lĩnh vực phát triển của trẻ bao gồm cả lĩnh vực ngôn ngữ và lời nói như Bảng các câu hỏi theo độ tuổi và giai đoạn- tái bản lần 3 (Ages and Stages Questionnaire, ASQ - 3), Sàng lọc phát triển Denver (Denver Developmetal Screening) (26), Bảng kiểm các giai đoạn phát triển được phát triển bởi Trung tâm kiểm soát và dự phòng bệnh tật (Centers for Disease Control and Prevention, CDC) và Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics, AAP)[10]. Một số công cụ được thiết kế dành riêng cho các lĩnh vực giao tiếp, ngôn ngữ, lời nói bao gồm Thang đo hành vi giao tiếp và biểu tượng (Communicative and Symbolic Behaviour Scale, CSBS-DP), thang đo ngôn ngữ giai đoạn nhũ nhi-nhà trẻ của Rossetti (The Rossetti Infant-Toddler Language Scale), Vốn từ vựng phát triển giao tiếp MacArthur-Bates (The MacArthur-Bates Communicative Development Inventory, MCDI).

 

Chẩn đoán cụ thể được thực hiện bởi nhà chuyên môn về ngôn ngữ trị liệu sử dụng các bộ công cụ phù hợp với từng trẻ. Khi trẻ được chẩn đoán có rối loạn ngôn ngữ và/ hoặc lời nói thì các phương pháp can thiệp phù hợp sẽ được chỉ định. Chương trình can thiệp được cá nhân hoá phù hợp và dựa trên mong muốn của trẻ và gia đình. Việc lựa chọn phương pháp can thiệp sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ, cũng như lĩnh vực ngôn ngữ mục tiêu được nhắm đến, một số phương pháp can thiệp có bằng chứng được sử dụng phổ biến hiện nay như kích thích ngôn ngữ gián tiếp (indirected language stimulation, can thiệp qua chơi đùa, kích thích tập trung (focused stimulation), cấu trúc dọc (vertical structuring), dạy dựa vào môi trường (milieu teaching), trị liệu theo kịch bản (Script therapy), làm mẫu (modelling), luyện tập (drill), luyện tập kèm chơi (Drill-play). Can thiệp ngôn ngữ trị liệu có thể được thực hiện bởi nhiều người bao gồm kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu, người chăm sóc, anh chị em, giáo viên trong nhiều bối cảnh như ở phòng trị liệu tại bệnh viện, ở nhà, ở trường và nơi công cộng. Một số trường hợp phức tạp như rối loạn ngôn ngữ và/hoặc lời nói liên quan với rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tâm thần vận động, giảm thính lực, bại não… có thể cần sự phối hợp của nhiều nhà chuyên môn cùng làm việc trong nhóm can thiệp đa chuyên ngành (multidisciplinary team, MDT) như nhà chuyên môn về hoạt động trị liệu, tâm lý trị liệu, vật lý trị liệu,…

 

 

 Hình ảnh minh họa.


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 418
Tổng số lượt truy cập: 6077383