Những điều cần biết về ho gà ở trẻ em
Ho gà ở trẻ em chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, chiếm 90% tổng số ca bệnh. Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, bệnh thường có diễn tiến nhanh, gây biến chứng và tỷ lệ tử vong cao. Tại khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã và đang điều trị thành công nhiều ca ho gà từ nhẹ đến nặng.
Ho gà (Whooping cough – Pertussis) là một bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn gây ra. Bệnh thường bùng phát mạnh mẽ vào mùa hè.
Bệnh ho gà đặc trưng bởi những cơn ho dữ dội kéo dài, thở rít, có âm thanh “khò khè” khi trẻ hít vào và nôn sau khi ho. Vào đầu thế kỷ thứ 7, bệnh được biết đến với tên gọi là “cơn ho trong 100 ngày”. Năm 1679, Sydenham đã đặt tên cho căn bệnh này là “ho gà” – một thuật ngữ Latinh mang nghĩa “cơn ho dữ dội”.
Ho gà ở trẻ em kéo dài với những cơn ho thường xuyên không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ mà còn cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Ở trẻ dưới 6 tuổi, chưa tiêm phòng vaccine bệnh thường có diễn tiến nặng, nguy cơ xuất hiện biến chứng và tử vong cao. Do đó, trẻ cần được tiêm phòng vaccine ngừa bệnh ho gà sớm, theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Nguyên nhân ho gà ở trẻ em
Vi khuẩn Bordetella Pertussis là tác nhân gây bệnh ho gà ở trẻ. Đây là một vi khuẩn gram âm ( – ), thuộc họ Bordetella, có dạng trực khuẩn hai đầu nhỏ, kích thước rất nhỏ, không di động. Vi khuẩn không có nguồn gốc từ động vật hay môi trường bên ngoài, khó nuôi cấy, sẽ bị chết sau khoảng 1 giờ dưới tác dụng trực tiếp của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời hay dung dịch khử khuẩn.
Triệu chứng bệnh Ho gà
Bệnh ho gà có những dấu hiệu, triệu chứng như sau:
- Giai đoạn đầu: thường xuất hiện những cơn ho nhẹ, sau đó ho nhiều hơn kèm hắt hơi, chảy nước mũi và sốt nhẹ.
- Giai đoạn kịch phát: các cơn ho kéo dài, xuất hiện tự nhiên hoặc do một kích thích nhỏ. Thậm chí có những bệnh nhân bị ho nhiều, đỏ mặt, thở rít như tiếng rít ở cổ gà khi hít thở, nôn nhiều đờm đặc. Đặc biệt ho gà ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường kèm theo những cơn ngừng thở ngắn.
- Bên cạnh những dấu hiệu trên, trong giai đoạn này, còn kèm theo một số dấu hiệu như: chảy máu cam, xuất huyết kết mạc mắt hay bầm tím quanh mi mắt dưới.
- Giai đoạn phục hồi: ở giai đoạn này, các cơn ho ngắn lại và số cơn giảm, tình trạng ho có thể tồn tại vài tuần rồi khỏi.
Đường lây truyền bệnh Ho gà
Bệnh ho gà lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp với dịch từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh. Khả năng lây lan của bệnh rất cao, đặc biệt với trẻ em khi cùng sinh hoạt trong một không gian khép kín như hộ gia đình hay trường học...
Đối tượng nguy cơ bệnh Ho gà
Trẻ sơ sinh có thể được coi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ho gà và dễ có những tổn thương bởi các biến chứng của bệnh.
Ngoài ra, đối với những người sinh hoạt trong môi trường có bệnh nhân bị ho gà cũng có nguy cơ cao mắc bệnh
Các biện pháp chẩn đoán ho gà ở trẻ em
Nếu trẻ có các dấu hiệu của bệnh ho gà hoặc nghi ngờ bị ho gà, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt. Bệnh cạnh việc thăm khám lâm sàng và các thông tin về bệnh sử của trẻ, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm khác gồm:
- Xét nghiệm dịch hầu họng;
- Xét nghiệm máu;
- Chụp X-quang ngực.
Phòng ngừa bệnh Ho gà
Để phòng ngừa bệnh ho gà có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả như sau:
- Biện pháp tiêm phòng được coi là biện pháp phòng bệnh cao nhất: sử dụng vắc xin ho gà cho trẻ em để tránh bị mắc bệnh.
- Cách ly với người bị bệnh: khi trong môi trường sinh hoạt có người bị bệnh, cần tránh xa những bệnh nhân đó, thường xuyên đeo khẩu trang khi tiếp xúc, có phương hướng điều trị, kiểm tra cho các thành viên trong gia đình xem có bị lây nhiễm không hoặc người bị ho gà cần phải điều trị dứt điểm.
Để hạn chế sự tiến triển của bệnh, có thể kể đến một số biện pháp sau: đảm bảo môi trường sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi, hóa chất; vệ sinh thân thể thường xuyên; cách ly người bị bệnh để tránh lây lan; kịp thời gặp bác sĩ để được thăm khám và sử dụng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ.
Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An