Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Hướng dẫn cách xử lý trẻ hóc dị vật

Cách xử lý trẻ hóc dị vật như thế nào là đúng – Điều này không phải mọi phụ huynh đều có thể nắm rõ. Thêm vào đó, tình trạng hóc dị vật ở trẻ khi không được xử lý đúng cách có thể để lại những vấn đề nghiêm trọng. Do đó, cha mẹ nên chú ý cập nhật cho mình những kiến thức để hiểu hơn về tình huống này và dự phòng cho mình cách xử lý phù hợp khi con trẻ không may bị hóc.

 

 

1. Hiểu để xử lý đúng cách với hóc dị vật ở trẻ

Hóc dị vật ở trẻ là tai nạn khá dễ xảy ra, được biểu hiện bằng việc xuất hiện tình trạng nghẹn, khó nuốt do có vật từ miệng (hoặc đôi khi là dị vật bỏ quên ở mũi) xuống họng nhưng không thể qua thực quản và xuống các cơ quan tiêu hóa. Trẻ hóc dị vật thường do bản thân trẻ vô tình hoặc cố ý gây nên.

 

1.1. Nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ bị hóc dị vật

Dị vật gây hóc cho trẻ có thể là bất cứ đồ vật vô cơ, hữu cơ gây nên. Đó có thể là hạt đậu, hạt lạc, miếng xương, vỏ tôm, vảy cá,… trong thức ăn của trẻ, hoặc viên bi, đồ chơi ghép hình, bánh xe ô tô mini đồ chơi của trẻ, hoặc bất cứ gì xung quanh trẻ như hạt nhựa, nhụy hoa giả, mảnh bút chì,…

Trẻ nhỏ thường hay có tính tò mò và một trong những thói quen bẩm sinh ở trẻ là dùng miệng để thử, dễ dàng cho mọi thứ vào miệng. Đó cũng là lý do vì sao trẻ rất dễ bị hóc.

Với nhiều trẻ hiếu động, việc nô đùa, không tập trung trong khi đang ăn có thể khiến trẻ quên việc nhai mà nuốt vội, hoặc bị sặc dẫn đến tình huống nuốt vội, gây hóc khi thức ăn chưa được nghiền nát hoàn toàn.

Phổ biến nhất là tình trạng trong thức ăn của trẻ có dị vật (xương, hạt chưa được nghiền nhỏ còn cứng, các loại quả có hạt,…) trong khi bé chưa có đủ răng, dễ nuốt đồ ăn theo thói quen như khi ăn bột, ăn cháo. Điều này khiến các tình huống hóc gặp rất nhiều ở trẻ trong độ tuổi khoảng 1 đến 4 tuổi.

Ngoài ra, một số tình huống có thể gây hóc ở trẻ còn rất đa dạng: Trẻ có thói quen hay ngậm đồ và vô tình nuốt hóc, trẻ nhét dị vật trong mũi, để quên, dần bị rơi xuống họng và bị hóc…

 

 

1.2. Cách nhận biết

Nhận biết hóc dị vật ở trẻ không quá khó, nhưng cần sự chú ý từ bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ để có thể xử lý nhanh cho trẻ. Cần chú ý khi trẻ đang ăn hoặc đang chơi đột nhiên ho nhiều, ho sặc sụa, tình trạng nghẹn, muốn nôn trớ, nôn khan, chảy dãi,… Nhiều trẻ có thể còn có hiện tượng mặt đỏ hoặc tím tái, người toát mồ hôi, thở khó hoặc đôi khi là mất ý thức. Trong tình huống nguy hiểm, dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn có thể khiến trẻ ngưng thở, hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách.

 

2. Hướng dẫn cha mẹ cách xử lý trẻ hóc dị vật phù hợp

Tùy theo từng tình huống trẻ mà sẽ có các xử lý hóc dị vật phù hợp. Do đó, cha mẹ cần chú ý để xử trí hóc cho con.

2.1. Với trẻ hồng hào

Nếu trẻ hồng hào, không có những dấu hiệu nguy kịch ảnh hưởng đến hô hấp, vẫn có thể thở bình thường thì nên đưa con đến các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra. Điều quan trọng cần thiết là cha mẹ cần bình tĩnh và giúp con bình tĩnh, tránh để tình trạng trẻ đưa tay vào móc họng.

2.2. Với trẻ nguy kịch

Tình trạng nguy kịch khi hóc của trẻ là khi bé có hiện tượng tím tái, khó thở, khóc yếu hoặc không khóc được, mất dần ý thức,… Khi này, cha mẹ cần nhanh chóng gọi cấp cứu, đồng thời tiến hành sơ cứu cho con trong khi chờ nhân viên y tế đến.

 

Vỗ lưng ấn ngực:

Phương pháp vỗ lưng ấn ngực được sử dụng với các trẻ sơ sinh và bú mẹ nhằm phòng tránh nguy cơ chấn thương cho trẻ do thực hiện sơ cứu.

Cách thực hiện:

– Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc trên đùi của người hỗ trợ, đầu trẻ đặt ở phần bàn tay và chân trẻ ở phần bắp tay, đầu thấp hơn chân.

– Người hỗ trợ xác định vị trí lưng giữa hai xương bả vai của trẻ. Sau đó, dùng gốc bàn tay còn lại vỗ 5 lần lên lưng bé.

– Kiểm tra miệng bé xem có dị vật không và thực hiện tiếp nếu miệng bé không có dị vật. Khi đó, cần lật trẻ sang cánh tay còn lại hoặc đặt trẻ ngửa trên đùi, vẫn tư thế đầu thấp hơn chân. Hãy xác định và ấn ngực trẻ 5 lần ở vị trí dưới xương ức với tần suất 1 lần/giây.

– Sau khi thực hiện ấn ngực, người thực hiện sơ cứu một lần nữa quan sát khoang miệng của trẻ xem dị vật đã được đẩy lên hay chưa. Nếu dị vật chưa ra, hãy tiếp tục thực hiện việc vỗ lưng – ấn ngực cho đến khi cấp cứu đến.

– Trong trường hợp dị vật chưa ra khỏi hầu họng nhưng trẻ đã qua cơn khó thở nguy kịch, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở tai mũi họng gần nhất để được các bác sĩ hỗ trợ gắp dị vật.

 

Thủ thuật Heimlich:

Đây là phương thức sơ cứu quen thuộc trong chữa hóc dị vật được áp dụng với trẻ lớn trên 2 tuổi và người trưởng thành

Trong tình trạng trẻ đang nguy kịch, thực hiện phương pháp sơ cứu hóc này như sau:

– Đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa trên nền phẳng.

– Người sơ cứu ngồi đối diện trẻ ở tư thế hai chân ở vị trí 2 má ngoài đùi của trẻ.

– Đặt hai tay chồng lên nhau và đặt gót bàn tay phía dưới ở vùng xương ức của trẻ và nhấn mạnh theo hướng lên trên 5 lần.

– Nếu trẻ mất ý thức, ngưng thở, cần thực hiện việc thông khí cho trẻ. Trong trường hợp đường thở trẻ bị tắc nghẽn hoàn toàn, không thông khí được bằng nội khí quản thì cần cân nhắc mở khí quản hoặc chọc nhẫn giáp.

 

3. Tránh những sai lầm khi xử lý cho trẻ bị hóc dị vật

Nhiều cha mẹ có thể vì thiếu hiểu biết hoặc lo lắng khi con bị hóc mà mắc những sai lầm như:

– Dùng tay và móc họng của trẻ nhằm dò và lôi dị vật ra. Điều này có thể vô tình làm dị vật rơi xuống các vị trí sâu hơn, hoặc gây các chấn thương cho niêm mạc họng trẻ.

– Dùng những mẹo dân gian cho con như nuốt cơm, dùng mật ong,… khiến trẻ có nguy cơ đau, hóc nặng hơn, hoặc tốn thời gian khi điều trị cho con.

– Vuốt ngực cho trẻ – phương pháp không hiệu quả hoặc có thể làm dị vật đi sâu vào trong đường thở.

– Không hoặc chậm trễ đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ.

 

Cần tránh những điều trên khi thực hiện cách xử lý trẻ hóc dị vật. Tốt nhất, cha mẹ nên đưa con sớm gặp các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được hỗ trợ xử lý hóc cho trẻ đúng cách, an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần giúp con tránh đối mặt với việc hóc dị vật bằng cách cẩn trọng trong việc chuẩn bị đồ ăn cho trẻ, luôn chú ý trẻ nhỏ khi ăn uống hay vui đùa. Đặc biệt, cần tập thói quen ăn uống tập trung, tránh nô đùa và dạy trẻ về những nguy hiểm mà hóc dị vật có thể gây nên.

  

Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 469
Tổng số lượt truy cập: 6223363