Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Thiếu máu thiếu sắt trẻ em và cách phòng ngừa

Thiếu máu thiếu sắt còn được gọi là thiếu máu dinh dưỡng, là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 24 tháng tuổi, thường gặp ở các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Mặc dù tỉ lệ bệnh này ở nước ta hiện nay đã giảm so với trước đây nhờ sự phát triển của điều kiện kinh tế xã hội, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em vẫn rất cao.

Bệnh thiếu máu là gì?

Bệnh thiếu máu là tình trạng giảm nồng độ hemoglobin trong máu của trẻ so với bạn cùng giới, cùng lứa tuổi, cùng điều kiện sống.

Thiếu sắt nhiều gây thiếu máu, biểu hiện qua giảm nồng độ hemoglobin trong máu.

Vậy, vai trò của sắt đối với cơ thể như thế nào?

Sắt có vai trò rất quan trọng đối với nhiều chức năng sống của cơ thể. Sắt là thành phần cấu tạo nên hemoglobin để vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan. Sắt tham gia vào quá trình tạo thành myoglobin- sắc tố hô hấp của cơ. Ngoài ra sắt cũng tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme hệ miễn dịch. Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này, đặc biệt có thể gây ra các rối loạn về tâm thần và vận động. Do vậy việc phát hiện và điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Tại sao trẻ em nguy cơ thiếu máu thiếu sắt?

– Trẻ em, đặc biệt dưới 24 tháng tuổi là nhóm nguy cơ cao nhất do tốc độ tăng trưởng nhanh kèm với thức ăn có nồng độ sắt thấp, chế độ ăn sữa bò hoàn toàn.

 

Các nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt:

1. Do cung cấp sắt thiếu

– Chế độ ăn thiếu sắt:

+ Thiếu sữa mẹ mà ăn sữa động vật (vì sắt trong sữa mẹ được hấp thụ tốt, trong khi sắt trong sữa bò chỉ được hấp thụ 10-20 %).

+ Thiếu thức ăn nguồn gốc động vật.

+ Ăn bột nhiều và kéo dài (vì trong bột có chất acid phytic và các phosphat gây giảm hấp thu Fe).

–  Trẻ đẻ non, thiếu cân lúc đẻ, sinh đôi: lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít.

 

2. Do hấp thu sắt kém: Các bệnh lý của đường tiêu hoá.

– Giảm độ toan dạ dày;

– Ỉa chảy kéo dài;

– Hội chứng kém hấp thụ;

– Dị dạng dạ dày ruột.

3. Mất sắt quá nhiều do chảy máu từ từ, mạn tính:

– Đường tiêu hoá: giun móc, loét dạ dày tá tràng, Polyp ruột.

– Chảy máu cam.

– Đường sinh dục tiết niệu.

4. Nhu cầu sắt cao

–  Giai đoạn cơ thể lớn nhanh;

– Trẻ đẻ non

– Tuổi dậy thì

– Tuổi hành kinh

Các triệu chứng lâm sàng thiếu máu thiếu sắt các bậc phụ huynh nên biết:

– Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt là dấu hiệu nổi bật.

– Các triệu chứng kèm theo tuỳ mức độ nặng của bệnh:

+ Trẻ mệt mỏi, ít hoạt động, nhanh mệt khi vận động, kém ăn, ăn không ngon miệng.

+ Chậm phát triển thể chất.

+ Hay bị rối loạn tiêu hoá.

+Giảm chức năng miễn dịch, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

+ Trẻ ở lứa tuổi đi học thường học kém do kém tập trung.

+ Teo niêm mạc và mất gai lưỡi làm trẻ khó nuốt.

+ Móng bẹt, dễ gãy, móng tay móng chân nhợt nhạt, có khía .

+ Tim đập nhanh

 

 

        

               

 

 

 

Vậy chế độ dinh dưỡng cho trẻ phòng và điều trị thiếu máu thiếu sắt như thế nào?

Những thực phẩm giàu sắt như :

– Gan của các loài động vật như gà, lợn, bò, cừ đều chứa hàm lượng sắt cao.

– Trai, sò, hàu là một trong số những loại hải sản than mềm giàu sắt nhất

– Thịt bò và thịt gà là một nguồn cung cấp sắt vô cùng phong phú

– Rau có lá màu xanh đậm : rau muống, cải bó xôi, rau bồ ngót…

– Một cách khác giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường hấp thu sắt là kết hợp các loại thực phẩm giàu loại khoáng chất này với những thực phẩm chứa nhiều vitamin C.

 

 Những thực phẩm cần tránh khi trẻ bị thiếu sắt bậc phụ huynh cần biết:

Thực phẩm chứa canxi: Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt được khuyên không nên ăn thực phẩm giàu canxi, bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua, các loại hạt và chuối. Canxi sẽ làm cản trở sự hấp thu sắt trong cơ thể do đó làm trầm trọng thêm tình trạng này.

 

Thực phẩm giàu chất tannin: Tanin gây cản trở sự hấp thụ sắt và có nhiều trong nho, ngô và cao lương (lúa miến).

Thức ăn chứa gluten: Thực phẩm giàu gluten nên tránh dùng cho trẻ bị thiếu máu vì nó có thể làm nặng thêm tình trạng này, làm tổn hại đến thành ruột, cản trở sự hấp thu sắt và axit folic – hai chất cần thiết cho việc sản xuất hồng cầu .Gluten chủ yếu được tìm thấy trong mì ống, các sản phẩm lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và yến mạch.

Thực phẩm giàu phytate: Phytate thường liên kết với sắt có trong đường tiêu hóa, do đó ngăn sự hấp thụ của nó. Trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt nên tránh dùng thực phẩm có chứa phytate hoặc acid phytic như đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.

 


Vậy chúng ta cần làm gì để có thể phòng bệnh :

Cần phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt từ sớm, ngay trong thời kỳ bào thai. Đặc biệt cần lưu ý tới: Những trẻ có nguy cơ như các trẻ đẻ non, đẻ sinh đôi, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, trẻ bị thiếu sữa mẹ.

Giáo dục cho các bà mẹ cách nuôi con:

+ Đảm bảo trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

+  Ăn đúng và đủ thức ăn động vật, thực vật giàu chất sắt.

 >> Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường trên thì bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời cho trẻ.


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 215
Tổng số lượt truy cập: 6297024