Sốt ở trẻ em - Khi nào cần gặp bác sỹ
Khi trẻ bị sốt, rất nhiều ba mẹ đều lo lắng, lúng túng trong việc xử trí và chăm sóc trẻ tại nhà. Ngay cả những bậc cha mẹ có kinh nghiệm với trẻ bị bệnh cũng có thể gặp khó khăn khi phân biệt quấy khóc bình thường và bệnh nhẹ với các vấn đề nghiêm trọng. Đây là thời điểm cần liên hệ với bác sĩ – và khi nào cần chăm sóc cấp cứu – cho một em bé bị sốt.
1. Sốt là gì?
Đầu tiên bạn cần hiểu, hiện tượng sốt cũng giống như ho ở con người, đó chỉ là một trong những triệu chứng bệnh chứ không phải là một loại bệnh cụ thể. Sốt có thể do một chứng viêm nào đó trong cơ thể con người gây ra.
Có khá nhiều cách để đo thân nhiệt cho trẻ và dùng nhiệt kế đo thân nhiệt ở vùng hậu môn là cách đơn giản và chính xác nhất đối với trẻ dưới 4 tuổi, đặc biệt cực kỳ hiệu quả ở trẻ dưới 1 tuổi. Bố mẹ có thể đặt nhiệt kế ở giữa khe mông của trẻ, dùng tay bóp cho hai bên mông trẻ kẹp chặt vào nhiệt kế để đo thân nhiệt.
Còn đối với trẻ từ 4 tuổi trở lên thì bố mẹ có thể dùng cách đo thân nhiệt bằng cách cho trẻ ngậm nhiệt kế trong miệng là phù hợp nhất. Ngoài ra, trẻ ở độ tuổi khác hoặc khi trẻ quấy khóc không hợp tác thì bố mẹ có thể đo thân nhiệt cho trẻ bằng cách để nhiệt cho trẻ kẹp vào trong nách. Thông thường những cách này sẽ cho kết quả nhiệt độ thấp hơn khoảng 1℉ (0.5℃) so với đo thân nhiệt ở hậu môn.
Trẻ nhỏ được cho là bị sốt nếu:
- Nhiệt độ bên trong hậu môn cao hơn 38oC (100.4F)
- Nhiệt độ ở miệng cao hơn 37.8oC (100F)
- Nhiệt độ ở nách cao hơn 37oC (99F)
- Nhiệt độ ở tai cao hơn 38oC (100.4F) (Cách đo này không khả thi với các bé dưới 6 tháng tuổi).
Nếu bạn nghi ngờ một dấu hiệu nào đó tác động đến nhiệt độ cơ thể của trẻ, hãy kiểm tra lại nhiệt độ 30 phút một lần.
2. Lúc nào thì phải đưa trẻ đến bệnh viện?
Xử lý khi trẻ bị sốt còn đòi hỏi bạn phải dựa vào độ tuổi của trẻ. Thông thường trẻ dưới 3 tháng tuổi chỉ cần thân nhiệt lên cao từ 100.4℉ (38℃) trở lên thì bạn nên lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên môn hoặc đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra.
Trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi thì bố mẹ nên quan sát tình trạng khi sốt của trẻ. Ví dụ khi trẻ đã hạ sốt, tinh thần tỉnh táo, biết cười, chơi đùa và uống được nước hoặc muốn ăn, không khóc quấy v.v… thì bạn có thể tiếp tục chờ đến buổi tối và theo dõi thân nhiệt tiếp. Sang ngày hôm sau có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra kỹ hơn.
Với trẻ từ 3 tuổi trở lên, khi đã được tiêm phòng đầy đủ và sức đề kháng tốt hơn thì khi trẻ bị sốt, bố mẹ cũng có thể quan sát tình trạng của trẻ. Nếu trẻ có các triệu chứng khác như ho, chảy nước mũi, nôn, tiêu chảy v.v… thì có thể đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra, uống thuốc. Nếu trẻ chỉ bị sốt nhẹ và bạn có thể hạ sốt nhanh chóng, không tái lại thì không cần đến bác sĩ, chỉ cần theo dõi trẻ thêm vài ngày cho đến khỉ trẻ khỏe mạnh hẳn.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý, nếu tình trạng sốt của trẻ tái đi tái lại trong 5 ngày thì nhất định phải đưa trẻ đến bệnh viện. Đặc biệt nếu trẻ có thêm triệu chứng đau đầu dữ dội hay căng cứng cổ thì phải đưa trẻ đi bệnh viện ngay lập tức, vì rất có thể trẻ có nguy cơ bị viêm màng não.
3. Làm sao để giảm bớt khó chịu khi trẻ bị sốt?
Khi bị sốt, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy khó chịu dù là sốt ở nhiệt độ nào. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý vài biện pháp sau đây để giúp trẻ dễ chịu hơn.
- Cho trẻ mặc đồ thoải mái, tránh gò bó để cơ thể dễ dàng thoát nhiệt.
- Thuốc hạ sốt chỉ nên dùng cho trẻ từ 3 tháng tuổi, tư vấn liều từ dược sĩ/bác sĩ của trẻ để dùng đúng liều theo độ tuổi. Đừng cho bé uống thuốc hạ sốt liên tục vì thuốc hạ sốt cần dùng đúng liều và cần thời gian hạ nhiệt.
- Dùng thuốc hạ sốt trước, lau mình sau. Đắp trán bằng khăn mát, nhưng lau mình bé bằng khăn ấm. Lau mình không quá 3 lần trong 4-6 giờ.
- Mất nước là thường gặp ở trẻ sốt cao. Cho bé bú mẹ thường xuyên để hạn chế sự mất nước khi sốt nếu bé còn bú mẹ. Nếu không, có thể cho bé uống từ 1-2 thìa nước sau mỗi cử bú với bé dưới 3 tháng tuổi. Bé từ 3-6 tháng tuổi có thể cho bé uống 2-3 thìa nước sau mỗi cử bú hoặc có thể cho bé dùng nước cam không đường pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:5, ngày không quá 10ml. Lưu ý bé bị tiêu chảy kèxm với sốt thì không nên dùng nước cam pha loãng.
- Khi sốt, trẻ có thể mệt mỏi và chán ăn. Bạn nên khuyến khích trẻ ăn bằng cách thay đổi thức ăn như ăn cháo lỏng, hoặc cho trẻ uống sữa, ăn những thức ăn trẻ thích.
Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc