Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Viêm loét miệng

Viêm trong miệng với các vết loét, được gọi là viêm miệng hay viêm loét miệng, có thể nhẹ và khu trú hoặc nặng và lan rộng, có mức độ đau khác nhau. Tổn thương đặc trưng là sự loét ở mô lợi, niêm mạc miệng, lưỡi.

 

 

 

Hình ảnh của trẻ bị viêm loét miệng khi đến điều trị tại

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


 Các nguyên nhân thường gặp gây viêm loét miệng cấp tính:

  • Do sự bùng phát của các loại vi khuẩn gây bệnh trong miệng (VD: cầu khuẩn và xoắn khuẩn Fusobacterium, Prevotella intermedia, Porphyromonas gingivalis)
  • Do virut herpes, sự bùng phát này hay gặp ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch
  • Do kích thích vật lý hay hoá học (trẻ uống nhầm hoá chất như nước tẩy rửa, cồn y tế, …)
  • Do phản ứng dị ứng (trẻ mắc hội chứng Steven Johnson, …)

        Ở khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 10 đến 20 trẻ mắc bệnh viêm loét miệng đến điều trị, với bệnh cảnh ban đầu trẻ sốt nhẹ, biếng ăn, đau miệng, gia đình thường tự chữa cho trẻ ở nhà, sau một thời gian không đỡ mới cho cháu đến bệnh viện. Lúc trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện điều trị, biểu hiện bệnh đã nặng lên: sưng lợi (nướu) 2 hàm, chảy máu, niêm mạc má, lưỡi có nhiều vết loét lớn, bám giả mạc, trẻ đau nhiều, bỏ ăn, dẫn đến thời gian điều trị kéo dài.

 1. Triệu chứng khi mắc bệnh:

  • Toàn thân

-       Sốt.

-       Người mệt mỏi.

-       Biếng ăn.

  • Tại chỗ

-       Ngoài miệng: có thể có hạch dưới hàm.

-       Trong miệng:

+ Tổn thương loét ở lợi, lưỡi, miêm mạc má, có giả mạc trắng bám dính.

+ Giả mạc: trên vùng tổn thương loét  phủ một lớp màng màu trắng, được cấu tạo bởi bạch cầu, mô hoại tử, fibrin. Khi lớp giả mạc được lấy đi sẽ làm tổn thương chảy máu.

+ Đường viền ban đỏ: nằm giữa vùng hoại tử và mô lợi còn tương đối lành.

+ Chảy máu tự nhiên hoặc khi va chạm.

+ Đau nhức vừa phải khi bệnh tiến triển nặng thì đau nhiều hơn, đau tăng khi ăn nhai, kèm theo tăng tiết nước bọt.

+ Miệng rất hôi.

 2. Điều trị

  • Toàn thân: kháng sinh, chống viêm, giảm đau, hạ sốt, nâng cao thể trạng.
  • Tại chỗ: điều trị được giới hạn ở các vùng liên quan tới tình trạng cấp tính.

+     Giảm đau tại chỗ.

+     Lấy giả mạc và các cặn dính ở bề mặt tổn thương.

+     Rửa sạch tổn thương bằng dung dịch Natribicacbonat 1,4% ngày 2 đến 3 lần.

 3. Cách chăm sóc trẻ

-       Người nhà người bệnh được hướng dẫn vệ sinh răng miệng cho trẻ hàng ngày và sau ăn/ bú.

-       Trẻ cần được cho ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đồ ăn mềm

-       Hạn chế ăn đồ quá nóng/lạnh, chua, cay, mặn làm tăng cảm giác đau, rát

 4. Phòng bệnh

-       Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.

-       Vệ sinh răng miệng đúng phương pháp.

-       Thường xuyên cho trẻ khám kiểm tra răng miệng định kỳ 3-6 tháng một lần.

-       Nếu trẻ có triệu chứng như trên nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.

 

                                                                                                                                      Khoa Răng Hàm Mặt 

 

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 587
Tổng số lượt truy cập: 6371078