Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Sốt xuất huyết! Bệnh lý không chừa một ai

Mùa hè với đặc trưng thời tiết nóng ẩm mưa nhiều là giai đoạn bệnh nhi nhập viện do sốt tiếp tục gia tăng. Bên cạnh những bệnh do sốt thông thường thì các bệnh truyền nhiễm hay gặp như: Covid-19 cấp tính, sốt phát ban, tay chân miệng, viêm não… có thể bùng phát trên diện rộng. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

 

 Tại tỉnh Nghệ An, trong tháng 6 này, khoa Cấp cứu – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận 5 bệnh nhi bị sốt xuất huyết trong tình trạng cấp cứu.


 

Điển hình, bệnh nhi P.M.Q (13 tuổi), thường trú tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai vào cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ngày 1/6/2022. Theo lời kể của bố trẻ, trẻ xuất hiện sốt cao từng cơn, kèm đau họng nên cho trẻ uống kháng sinh Amoxicillin, hạ sốt tại nhà nhưng không đỡ. Sau 2 ngày, trẻ vẫn sốt cao từng cơn 39 – 40 0C, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt gia đình hốt hoảng cho trẻ nhập viện đa khoa Tân Kỳ và được chuyển ngay đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị.


Trẻ vào khoa Cấp cứu trong tình trạng sốt cao, mệt lả, đau đầu nhiều, đau bụng, buồn nôn, gan to, không có ban da, được các bác sỹ nhanh chóng chẩn đoán trẻ bị sốt Dengue có dấu hiệu cảnh báo và xử trí kịp thời.


Cùng thời điểm ngày 4/6/2022, bệnh nhi T.D.M (53 tháng), thường trú Thị xã Bến Cát, tỉnh Đồng Nai được gia đình đưa đi nhập viện điều trị sốt xuất huyết khi bệnh ngày thứ 5. Trẻ sốt cao, nhiệt độ 38.5 – 390C, đã đi khám tại phòng khám tư điều trị thuốc không rõ loại. Chiều cùng ngày, trẻ đi ngoài phân đen, mệt nhiều gia đình lo lắng đưa trẻ nhập viện.


Theo Tiến sĩ. Bác sĩ nội trú Trần Văn Cương -  Phó giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết rất đa dạng về độ tuổi, thậm chí cả trẻ nhũ nhi. Trong khi giai đoạn đầu, triệu chứng sốt thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nhất là khi gia đình không rõ dịch tễ. Vì vậy, trẻ nhập viện thường ở giai đoạn nặng, sốc sốt xuất huyết, nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể nguy kịch, đe dọa tử vong nhanh chóng.


 Sốt xuất huyết dengue (Dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt Dengue) là  bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chủ yếu ở vùng nhiệt đới, được gây ra do Dengue virus, có nguồn lây từ muỗi vằn, biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc dengue.


  Thông thường, bệnh sốt kéo dài 2-7 ngày. Khởi phát bệnh sốt cao đột ngột, không thể phân biệt với các loại sốt do virus khác.


Vào ngày thứ 2 của bệnh, trẻ thường có thêm các biểu hiện xuất huyết dưới da, niêm mạc, tiêu hóa.


Từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh, sốt bắt đầu hạ xuống mức 37.50C - 380C hoặc thấp hơn. Một số bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: lừ đừ, nôn nhiều, đau bụng, xuất huyết, gan to. Có thể diễn biến đến sốc sốt xuất huyết (chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt không đo được) phải nhập viện cấp cứu ngay.


Bệnh có thể chỉ biểu hiện như một hội chứng nhiễm virus không đặc hiệu hoặc bệnh lý xuất huyết trầm trọng và đưa đến tử vong.


Điều trị bệnh cần chú ý, hạ sốt đúng chỉ định, tránh gây ngộ độc. Đặc biệt, tuyệt đối không cho hạ sốt bằng thuốc Ibprofen tránh gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu. Bù dịch cũng rất quan trọng nhưng phải bù đúng cách. “Giai đoạn sau ngày thứ 5 - 6 của sốt, trẻ sẽ tái hấp thu nên nếu bù dịch đúng tránh thừa dịch, gây tràn dịch đa màng, khó thở”


   Chính vì tính nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của bệnh, bác sỹ đặc biệt khuyến cáo: Khi trẻ sốt, cần cho trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi chẩn đoán bệnh. Đặc biệt khi trẻ sốt xuất huyết điều trị tại nhà cần chú ý các dấu hiệu nặng, nhập viện sớm để được bác sĩ thăm khám, có biện pháp điều trị kịp thời.


Cuối cùng, để phòng chống dịch không để dịch bùng phát không chỉ có sự vào cuộc của ngành y tế mà còn cần sự phối hợp của người dân về công tác vệ sinh sạch sẽ ngoại cảnh bằng cách không tích trữ nước mưa, lật úp các đồ dùng có thể chứa nước đọng, ngủ mắc màn, diệt loăng quăng, bọ gậy… để hạn chế sự phát triển của muỗi.


 

Tiến sĩ Trần Văn Cương - Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tại Hội nghị trực tuyến, điểm cầu Sở Y tế Nghệ An về chuyên đề sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức ngày 22.6.2022

                                        


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 213
Tổng số lượt truy cập: 6398483