Nguy cơ bùng phát bệnh dịch do muỗi truyền bởi hiện tượng El Nino
Bộ Y tế cảnh báo El Nino có thể làm tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại virus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản, trong thời gian tới.
Ngày 14/7, Bộ Y tế cho biết Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền, là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm. Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.
Hồi đầu tháng 6, các nhà khoa học ở Trung tâm dự báo khí hậu, Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), cũng xác nhận El Nino đã bắt đầu ở Thái Bình Dương, khiến hạn hán và nắng nóng thêm nghiêm trọng trên toàn cầu.
"El Nino có thể làm tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và tăng các bệnh truyền nhiễm do côn trùng này gây ra", Bộ Y tế cảnh báo.
Một trong những yếu tố tác động lớn nhất đến bệnh muỗi truyền là thời tiết. Những năm El Nino có nền nhiệt độ cao, số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng theo. Miền Bắc năm nay nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều kiện rất tốt cho muỗi phát triển, sinh sôi. Thời gian từ trứng đến trưởng thành sẽ rút ngắn lại, khoảng 7-9 ngày, khiến muỗi sinh sản nhiều hơn, khả năng tiếp xúc giữa muỗi và người cũng nhiều hơn. Chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bùng phát dịch.
"Chúng ta chỉ mới trải qua 6 tháng đầu năm và theo tính toán trong giai đoạn tới, diễn biến dịch sốt xuất huyết sẽ ngày càng phức tạp hơn chứ không giảm đi", ông Dũng nói, dẫn chứng miền Bắc có dấu hiệu tăng (6 tháng đầu năm hơn 1.000 ca, cao hơn 60% cùng kỳ năm ngoái).
"Điều đáng báo động là tỷ lệ phát hiện có loăng quăng tại các điểm nguy cơ còn rất cao, chứng tỏ người dân còn lơ là không dọn vệ sinh, tạo điều kiện cho muỗi phát triển lây lan bệnh", bác sĩ Châu nói.
Muỗi - Tác nhân chính lây truyền virus và các bệnh sốt
Trước nguy cơ trên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh hoạt động diệt loăng quăng, duy trì một tuần một lần tại các khu vực có nguy cơ cao. Tổ chức tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
Người dân được khuyến cáo diệt muỗi, ngủ mắc màn, chống muỗi đốt. Khi mắc bệnh, không tự điều trị tại nhà mà đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Nguồn: Sưu tầm