Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Sốt mò – Triệu chứng và cách điều trị

Bệnh sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vết cắn của côn trùng gây ra khiến người bệnh bị sốt kéo dài, phát ban dạng sần và viêm hạch. Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nguy hiểm và có nguy cơ tử vong.

 

1. Khái niệm

Sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do Orientia tsutsugamushi (là một loại vi khuẩn thuộc họ Rickettsiacea) gây nên. Bệnh lưu hành ở các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Bệnh có đặc điểm sốt kéo dài, trên cơ thể người bệnh có vết loét do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh có diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị thích hợp và kịp thời.

Bệnh sốt mò không lây truyền từ người sang người.

Bệnh thường gặp ở các nước châu Á nhiệt đới, nhất là những khu vực có khí hậu nóng ẩm như rừng núi cây cối rậm rạp, vùng đất ẩm ướt, hang hốc trong núi đá hay những nơi như hai bên bờ suối, dọc bờ biển. Khoảng thời gian thường gặp nhất là tháng 6 đến tháng 9.

Mò sống bằng cách hút máu trên cơ thể động vật máu nóng, đặc biệt là các loài gặm nhấm, đại diện là chuột. Sau đó, nếu gặp cơ thể người, mò sẽ bám lên, thường hút vào nang lông hay lỗ chân lông ở vùng da mềm, có nếp nhăn như nách, ngực, cổ, bẹn, bụng... và lây nhiễm vi trùng cho người.

 

2. Triệu chứng

- Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6-21 ngày (trung bình từ 9-12 ngày)

- Sốt: thường khởi phát đột ngột, sốt cao liên tục, có thể kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người

- Biểu hiện da niêm mạc:

+ Da xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân, xung huyết kết mạc mắt

+ Vết loét ngoài da (còn gọi dấu Eschar) là dấu hiệu đặc hiệu của sốt mò, có dạng hình bầu dục, kích thước từ 0,5-2cm, có vảy đen hoặc đã bong vảy, thường không đau, khu trú ở những vùng da mềm như nách, ngực, cổ, bẹn, bụng...vv

+ Ban ngoài da: thường xuất hiện vào cuối tuần thứ nhất của bệnh, có dạng dát sẩn, phân bố chủ yếu ở thân người, có thể ở cả chân tay, có thể gặp ban xuất huyết.

Vết loét ngoài da - Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt mò

 

- Sưng hạch lympho: tại chỗ vết loét và hạch toàn thân có kích thước 1,5-2cm mềm không đau, di động bình thường.

- Trường hợp sốt mò chẩn đoán và điều trị muộn xuất hiện các tổn thương đa phủ tạng như phổi, thận, tim, gan, não và màng não.

 

3. Cách điều trị và phòng ngừa

Bệnh được điều trị dựa vào kháng sinh. Tuy nhiên, hiện nay chưa có vacxin phòng bệnh.

Để phòng tránh sốt mò, cần tích cực phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột, các loài gặm nhấm. Khi đi vào rừng, cần chú ý tránh nghỉ ngơi dưới cây cỏ rậm rạp, đất mùn; không nằm dưới đất mà nên nằm trên võng cao, không phơi áo quần hay đặt balo trên nền cỏ. Nên mặc quần áo kín đáo, đi giầy cao cổ. Có thể dùng thuốc xua đuổi côn trùng bôi vào các khoảng da trống.

 

Vừa qua khoa Bệnh Nhiệt Đới - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận và điều trị nhiều ca sốt mò từ nhẹ đến nặng. Trường hợp bệnh nhân Xồng P.L 36 tháng tuổi, ở xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Trẻ bệnh 10 ngày với biểu hiện sốt cao liên tục. Điều trị trạm y tế 4 ngày. Bệnh không tiến triển nhập bệnh viện huyện điều trị, chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Trẻ nhập viện trong tình trạng trẻ tỉnh, mệt nhiều, vẻ mặt nhiễm trùng, nôn nhiều, phù hai mu chân, vết loét ở bẹn trái, bụng chướng, gan lách lớn. Vào khoa trẻ được chẩn đoán Nhiễm khuẩn huyết do Rickettsia, trẻ được làm xét nghiệm máu, siêu âm, chụp xquang tim phổi, điều trị kháng sinh và điều trị hỗ trợ.

Hình ảnh vết loét ngoài da do bệnh sốt mò của bệnh nhi được điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới 

 

Qua 8 ngày điều trị tại khoa trẻ ổn định và được xuất viện, hiện tại không có di chứng.

Với sốt mò hiện nay đã có kháng sinh điều trị nên cần được phát hiện và điều trị kịp thời để hạn chế được tổn thương nhiều cơ quan.

 

Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 566
Tổng số lượt truy cập: 6223681