Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con – Biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé

Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con những năm gần đây đã giảm được tình trạng trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nâng cao hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ cho những đứa trẻ mới chào đời. 

 

Đẩy lùi hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Để hạn chế và đẩy lùi dịch HIV/AIDS trong nhóm phụ nữ mang thai, loại trừ tình trạng trẻ em bị lây nhiễm HIV từ mẹ, những năm qua, ngành Y tế đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của Bộ Y tế và UBND các tỉnh/thành phố. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giữ vai trò đầu mối cùng các đơn vị có liên quan tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con. Qua đó, các hoạt động phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con từ tỉnh đến cơ sở đã được triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi; tư vấn, xét nghiệm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai; khuyến khích trì hoãn quan hệ tình dục đối với thanh thiếu niên; thực hiện tình dục an toàn; phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc thai nghén tại các cơ sở có dịch vụ dự phòng lây truyền mẹ con góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Tất cả phụ nữ mang thai đều được tư vấn và xét nghiệm HIV như một phần của dịch vụ thường quy trong chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh, dự phòng sớm việc chẩn đoán tình hình sức khỏe cũng như khả năng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai rất quan trọng đối với công tác bảo vệ thế hệ tương lai. Do đó, phụ nữ bị nhiễm HIV khi có dấu hiệu mang thai nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và quản lý thai kịp thời. Ngay cả những phụ nữ chưa xác định tình trạng nhiễm HIV của mình, khi mang thai cũng cần đến các cơ sở y tế xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, để được tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm.

Bên cạnh đó, đối với các phụ nữ nhiễm HIV cần phải chăm sóc thai nghén, điều trị phòng lây truyền mẹ con bằng thuốc ARV, thực hành sản khoa an toàn tại các cơ sở y tế có dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tư vấn nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu có, hạn chế các hành vi tiêm chích ma túy, nghiện rượu, chăm sóc hỗ trợ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai.    

Khi phát hiện nhiễm HIV, phụ nữ mang thai sẽ được giới thiệu đến các cơ sở điều trị để được theo dõi và điều trị lâu dài hoặc điều trị phòng lây truyền mẹ con bằng thuốc ARV. Khi phát hiện các bà mẹ mang thai nhiễm HIV cần quản lý thai sản tại cơ sở sản khoa; theo dõi điều trị ARV tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; điều trị dự phòng ARV cho con ngay sau khi sinh. Các bà mẹ mang thai cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng như một thai phụ bình thường, khám thai định kỳ, tuân thủ điều trị ARV”.

Những bệnh nhân bị nhiễm HIV không nên mang thai dù tỷ lệ lây nhiễm thấp nếu được dự phòng hiệu quả nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cho trẻ. Tầm soát trước lúc mang thai hoặc khi có thai ở giai đoạn sớm để phát hiện bệnh sớm, hiệu quả dự phòng sẽ cao hơn. Ngoài ra, sản phụ nhiễm HIV nên tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn chăm sóc trẻ, điều trị bệnh; thực hiện lối sống sinh hoạt lành mạnh.

 

Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn hiện nay

Số trẻ em nhiễm HIV dưới 1 tuổi giảm liên tục trong 10 năm qua. Nếu năm 2012, cả nước phát hiện 127 trẻ nhiễm dưới 1 tuổi thì đến năm 2021 con số này chỉ còn 26 trẻ và 9 tháng năm 2022 là 17 trẻ.

Dựa trên số liệu thống kê trong suốt 10 năm qua, số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có xu hướng giảm mạnh, từ 1.500 trẻ xuống còn hơn 600 trẻ mỗi năm; Tỉ lệ trẻ có kết quả chẩn đoán nhiễm HIV bằng CPR giảm mạnh từ 7,4% năm 2012 xuống 2,1 năm 2022.

Bên cạnh đó, với sự cập nhật liên tục và kịp thời khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực và đang tiến gần đến mục tiêu hoàn thành trước hạn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Có được kết quả như trên do Việt Nam đã sớm áp dụng các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và vận hành các hoạt động dự phòng và điều trị rất nhuần nhuyễn theo các cấp độ: Dự phòng xa và điều trị triệt để.

Đặc biệt, việc ngành y tế triển khai Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bắt đầu từ năm 2009 với nhiều hoạt động sôi nổi trên toàn quốc đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của người dân về HIV, góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV/AIDS.

Nhờ những nỗ lực tích cực, truyền thông sôi nổi đã nâng cao ý thức dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Đây là giai đoạn đầu tiên để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người mẹ trong tương lai gần thông qua việc nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS, các đường lây truyền và cách phòng tránh.

Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2023, nhiều địa phương trên toàn quốc đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây truyền HIV, tăng cường công tác xét nghiệm HIV và tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép các chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trong thời gian gần đây, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đạt được những kết quả rất khích lệ. Kết quả ấn tượng nhất là số trẻ em nhiễm HIV dưới 3 tuổi giảm liên tục và chỉ còn chưa bằng 1/5 số trẻ được chuẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2012.

 

Chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần chủ động thăm khám, xét nghiệm HIV. Nguồn: Sưu tầm

 

Nguồn: Sưu tầm


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 206
Tổng số lượt truy cập: 6224488