Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Cứu sống nhiều trường hơp đuối nước nguy kịch

          Mùa hè với kỳ nghỉ kéo dài và thời tiết nắng nóng là thời điểm trẻ em thường xuyên tham gia hoạt động bơi lội hoặc về quê, đi chơi, du lịch ở những địa điểm có hồ nước, sông, suối, biển,... do đó nguy cơ trẻ gặp tai nạn do đuối nước sẽ càng tăng cao.Trong thời gian vừa qua, Khoa HSCĐ bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do đuối nước.

          Trong đó có 2 trường hợp đuối nước rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp 1 là bé gái Võ Thị Hương G, 13 tuối, ở Bến Thủy, TP. Vinh. Theo lời người nhà kể, khoảng 16 giờ ngày 16/06, trẻ đi chơi với bạn thì bị đuối nước ở hồ, được người dân phát hiện và sơ cứu, chuyển đến BVĐK Tây Bắc, tại đây bệnh nhi được đặt ống Nội khí quản, dùng vận mạch, sau đó nhanh chóng được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng: môi tím, SpO2 76%. Tim nhịp nhanh 150 Ck/ph, mạch bắt yếu. Sốt cao. Huyết áp không đo được. Đồng tử 2 bên đều 2mm, Phản xạ ánh sáng kém. Dịch dạ dày đen bẩn. Tiên lượng dè dặt.

          Trường hợp 2 là bé Bùi Thị Kim N, 9 tuổi, ở Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu. Vào viện lúc 21 giờ 40 phút  ngày 04/07, khoảng 18 giờ cùng ngày trẻ bị đuối nước ở sông, sau khi được phát hiện thì trẻ đã ở trong tình trạng ngừng thở ngừng tim, may mắn được người dân phát hiện và cấp cứu kịp thời rồi chuyển tới bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu đặt nội khí quản. Trẻ đến bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng tím tái, phổi thông khí theo nhịp bóp bóng, trào bọt hồng qua ống nội khí quản, mạch ngoại vi nhanh nhỏ, đồng tử 2 bên 2,5mm phản xạ ánh sáng kém

          Sau khi vào khoa, 2 bệnh nhi đã được các bác sỹ và điều dưỡng tích cực cấp cứu, điều trị thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, rửa dạ dày, đặt các đường truyền tĩnh mạch trung tâm, dinh dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, theo dõ sát sao, thực hiện chăm sóc cấp 1. Nhờ việc cấp cứu kịp thời, nhanh chóng và tích cực, bệnh nhi Hương G. sau 5 ngày điều trị bệnh tiến triển tốt, được rút ống nội khí quản, chuyển sang thở oxy. Sau 18 ngày điều trị tại khoa, trẻ được ra viện trong niềm vui của các y bác sỹ và gia đình. Bệnh nhi Kim N. sau 2 ngày điều trị đã rút ống nội khí quản chuyển thở oxy và đang tiếp tục điều trị theo dõi tại khoa.

           Việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ, nếu sơ cấp cứu không đúng trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề dù sau đó có được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực do quá trình thiếu oxy não kéo dài. Do đó mỗi người nên phòng bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cấp cứu đúng khi gặp trẻ bị đuối nước.

- Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dài , chắc từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên.

- Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.

- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:

+ Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, dùng miệng áp miệng thổi ngạt cho nạn nhân. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không. Nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, đặt bàn tay phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

+ Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.

- Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cơ thể bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất

 

 

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 73
Tổng số lượt truy cập: 6223940