Lần đầu nghe tiếng mẹ gọi của em bé khiếm thính
"Lần đầu tiên con bật máy sau gần một tháng phẫu thuật cấy điện cực ốc tai, âm thanh đầu tiên con nghe thấy là tiếng mẹ gọi trìu mến. Con không hề sợ hãi và khóc như những bạn nhỏ khác, mà con lại nhoẻn miệng cười thích thú. Nhưng ngược lại, khoảnh khắc ấy khiến em bật khóc, vỡ òa trong tim vì hạnh phúc", chị Ngọc Ánh, mẹ của bé Lê Ngọc Hạ Băng, bệnh nhân từng cấy điện cực ốc tai điều trị khiếm thính tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An xúc động chia sẻ.
》》》
Tháng 01/2020, bé gái Hạ Băng chào đời tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Con dễ thương, tăng cân đều đặn. Tuy nhiên, đến mốc các bé sơ sinh “trò chuyện” gù gù cùng người thân, biết nhoẻn cười khi nghe âm thanh mẹ cha gọi, thì Hạ Băng lại không đáp ứng. Tuy nhiên, thấy con vẫn đúng tiêu chuẩn “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”, nên bố mẹ bé vẫn chưa nghi ngờ nhiều.
Chỉ đến khi bé qua ngưỡng 1 tuổi, sự bất thường, trầm lặng đến “đáng sợ” của con khiến chị Ngọc Ánh cảm nhận rõ con mình có điều bất thường. Và phần nhiều, chị nghĩ đến căn bệnh tự kỷ trẻ em. Bàn bạc với chồng, giữa năm 2020, bố mẹ quyết định đưa Hạ Băng tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để kiểm tra, lúc đó bé được 16 tháng tuổi. Kết quả khám cho thấy, tinh thần bé hoàn toàn bình thường, mà vấn đề lớn nhất là Hạ Băng không có cảm giác với âm thanh. Kết quả đo thính lực, em bị điếc sâu cả hai tai.
"Cầm kết quả trên tay, mình khóc mãi không thôi, không ai muốn tin đó là sự thật. Cảm giác rất hoang mang, lo lắng, thương cho số phận con thiếu may mắn, cuộc đời con rồi sẽ ra sao?", người mẹ tâm sự.
Được sự tư vấn của bác sĩ, phẫu thuật cấy điện cực ốc tai là phương pháp duy nhất và phải tiến hành sớm để giúp con có thể nghe. Bố mẹ Hạ Băng quyết định vay mượn để phẫu thuật cấy điện cực ốc tai cho con ngay tại Nghệ An, cùng với sự đồng hành cả vật chất lẫn tinh thần từ công ty Trợ thính Quang Đức và Bệnh viện. Cô bé được phẫu thuật cấy điện cực ốc tai bởi PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội ngay tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vào tháng 12/2020, khi bé được gần 2 tuổi.
Trường hợp bệnh nhi phục hồi sau khi phẫu thuật, điều trị tại bệnh viện
Gần một tháng sau phẫu thuật, con đã lắng nghe, tiếp nhận những âm thanh đầu tiên. Được nghe, được tiếp xúc với âm thanh, đó là niềm vui khó có thể nói bằng lời với mẹ cha khi thấy con đã có hy vọng ở phía trước. Với những trẻ bình thường thì điều này thật đơn giản, nhưng với những bé khiếm thính như Hạ Băng, niềm vui thật kỳ diệu, lớn lao khó tả.
Từ một đứa trẻ sống trong im lặng, sau nhiều tháng khổ luyện, với sự háo hức tìm hiểu cuộc sống của Hạ Băng, sự kiên trì của gia đình và cô giáo trung tâm trị liệu ngôn ngữ, em đã nghe, hiểu nói từ đầu tiên là “Ạ”. Rồi cô bé cũng gọi được “mẹ ơi, bố ơi” và nói được nhiều từ khác nữa. Lần đầu tiên nghe con gọi bố mẹ, 2 phụ huynh sung sướng nghẹn ngào. Sau 1 năm cấy điện cực ốc tai, Hạ Băng đã gần như một trẻ bình thường. Con đã đi học mẫu giáo trường làng, bi bô, vui vẻ.
Hạ Băng là một trong nhiều em bé đã đến khám, đo thính lực kiểm tra hàng năm tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Thông qua chương trình khám sàng lọc khiếm thính, bệnh viện đã phát hiện và điều trị sớm, hiệu quả cho các bé khiếm thính. Cấy ốc tai điện tử là phương pháp tiên tiến nhất giúp cho các bé nghe kém nặng hoặc điếc 2 tai không đáp ứng với máy trợ thính có thể nghe và nói như những đứa trẻ bình thường, hòa nhập với cộng đồng. Hiện nay, khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An phối hợp với các chuyên gia phẫu thuật đầu ngành đến từ tuyến trung ương, cùng thiết bị và trung tâm trị liệu ngôn ngữ luôn sẵn sàng chào đón, đồng hành cùng bố mẹ và các con không may mắn bị khiếm thính trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các vùng phụ cận.
(Video, hình ảnh, thông tin nhân vật đã được sự đồng ý cho phép sử dụng công khai từ gia đình bé).