Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Dính môi bé âm hộ ở bé gái và những điều phụ huynh cần biết

Ngày 24/8/ 2022, khoa Tim mạch tiếp nhận bé gái Nguyễn . D. Th (9 tháng tuổi, TX Hoàng Mai) vào viện vì sốt, tiểu khó. Trao đổi với bác sĩ, người nhà bệnh nhi thảng thốt chia sẻ: “Bác sĩ ơi, sao con em không có âm đạo, lâu nay mẹ không để ý, giờ cháu tiểu khó mẹ mới quan sát thấy.” Nghe xong hẳn là mọi người sẽ nghĩ bé đã mắc một bệnh bẩm sinh đáng sợ nào đó, ảnh hưởng đến việc sinh đẻ sau này. Tuy nhiên sau khi bác sĩ thăm khám mới phát hiện bé bị dính môi bé âm hộ, làm che lấp lỗ âm đạo, lỗ tiểu, thỉnh thoảng cũng hay gặp ở bé gái.

Bé được chẩn đoán Nhiễm khuẩn tiết niệu/ Dính môi bé. Sau điều trị kháng sinh 4 ngày, trẻ hết nhiễm khuẩn tiết niệu và được chuyển sang khoa Ngoại làm thủ thuật tách dính môi bé. Sau thủ thuật bé ổn định ra viện, mẹ bé vui mừng vì con không bị bệnh phức tạp như mình nghĩ và biết cách vệ sinh chăm sóc để không bị tái dính.

Vậy dính mép môi bé là gì, có biểu hiện như thế nào, nó có nguy hiểm không và điều trị thế nào? Nhân trường hợp này, các bác sĩ sẽ chia sẻ cho các bậc phụ huynh cùng tham khảo:

 1. Dính môi bé âm hộ là gì?

Bộ phận sinh dục ngoài của nữ giới bao gồm hai môi lớn và hai môi bé. Những cấu trúc này nằm chắn trước phần âm đạo và lỗ tiểu. Bình thường thì hai môi bé tách rời nhau, để lại khoảng trống ở giữa. Dính môi bé là tình trạng hai môi bé của bộ phận sinh dục nữ ở bên ngoài dính lại với nhau khiến cho lỗ âm đạo và lỗ tiểu bị che khít một phần. Tình trạng này thường được phát hiện ở trẻ gái có tuổi từ 3-6 tháng tuổi và có thể kéo dài đến khi dậy thì.

 

 

 

Hình ảnh dính môi bé âm hộ ở bé gái

2. Nguyên nhân

Bé gái sau sinh từ 3 đến 6 tháng có nồng độ Estrogen trong máu xuống thấp, đây chính là nguyên nhân có thể gây ra tình trạng dính môi bé. Nó không phải là bệnh bẩm sinh mà nguyên nhân là do các dấu hiệu viêm nhiễm tại chỗ gây nên, hoặc có thể do bé không được vệ sinh đúng cách, hoặc do bé sử dụng bỉm quá lâu không được thay rửa, hoặc có thể do da bé bị kích ứng với các thành phần hoá học trong các dung dịch tắm rửa.

3. Dấu hiệu phát hiện

Đa số trẻ hoàn toàn không có biểu hiện gì, một số trường hợp trẻ có triệu chứng tiểu són, tiểu không thành dòng, tiểu khó tiểu đau, đau và tiết dịch âm đạo bất thường và có thể biểu hiện của nhiễm khuẩn tiết niệu. Phụ huynh có thể quan sát thấy trẻ không có lỗ âm đạo hoặc thấy bộ phận sinh dục trẻ khác thường, hai môi bé dính vào nhau chỉ để lại một lỗ nhỏ, thậm chí còn bị bít kín. 

4. Những yếu tố nguy cơ khi bé bị dính môi

Một số trẻ bị dính âm môi bé có thể gặp rắc rối khi đi tiểu do lượng nước tiểu không được thoát ra ngoài hết và đọng lại trong âm đạo, khiến cho trẻ có cảm giác đi tiểu xong mà quần vẫn bị ướt. Bên cạnh đó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm đường khuẩn tiết niệu, viêm âm đạo.

5. Điều trị

Đa số các trường hợp dính âm môi không gây phiền toái, không cần điều trị vì tình trạng dính ở bé gái có thể được tách ra khi bé lớn, lúc này nồng độ hormone estrogen trong máu được tăng lên. Tuy nhiên, với tình trạng cụ thể của bé có thể sẽ có các điều trị khác nhau:

  • Bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ sử dụng kem có chứa estrogen thoa lên chỗ dính để tách rời hai môi bé.
  • Trong trường hợp trẻ bị dính âm môi ở mức độ vừa và nặng thì sử dụng kem có chứa estrogen sẽ kém hiệu quả. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định thủ thuật tách dính cho bé.

6. Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Nếu dính môi bé gây ra các vấn đề nghiêm trọng như các vấn đề về tiểu tiện (tiểu khó, tiểu đau…), hoặc trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu, nên cho bé đến khám bác sĩ để quyết định điều trị hay không. 

TLTK:

-         https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470461/

-         https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Labial_fusion/

 

 Khoa Tim mạch, BV Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 98
Tổng số lượt truy cập: 6296417