Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Dậy thì sớm ở trẻ em và những điều cần lưu ý

Dậy thì sớm (DTS) ở trẻ đang là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Trong một số ít trường hợp, dậy thì sớm có thể là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm như u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp,... Vì vậy, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu kỹ về tình trạng này để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của trẻ

1. Dậy thì sớm là gì?

            Dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp giữa trẻ em và người lớn, bao gồm sự phát triển về hình thể và sự hoàn thiện của cơ quan sinh dục. Ngày xưa ông cha ta thường có câu: "Gái thập tam, nam thập lục" nhưng ngày nay trẻ có xu hướng dậy thì sớm hơn rất nhiều. Tuổi dậy thì của nữ xảy ra từ 8 đến 13 tuổi, nam từ 9 đến 15 tuổi.

            Dậy thì sớm là sự xuất hiện tình trạng phát triển về thể chất và hormon của tuổi dậy thì so với lứa tuổi sớm hơn bình thường (dưới 8 tuổi ở trẻ gái và dưới 9 tuổi ỏ trẻ trai), do sự hoạt hóa trung tâm dậy thì gây ra tình trạng kích thích sớm toàn bộ trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục. Thường gặp ở trẻ gái, > 90% là vô căn.

Đa số là vô căn: chiếm 90%, đến 25% có tính gia đình (di truyền trội, nhiễm sắc thể thường).

Những bất thường thần kinh trung ương: hiếm gặp, bao gồm:

+ Hamartomas vùng dưới đồi.

+ Khối u: u tế bào hình sao,u thần kinh đệm, u tế bào mầm tiết HCG.

+ Tổn thương thần kinh mắc phải do viêm nhiễm, phẩu thuật, chấn thương, xạ trị hoặc áp xe.

+ Bất thường bẩm sinh: não úng thủy, nang màng nhện, nang trên hố yên

            Theo nghiên cứu, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến Dậy thì sớm (DTS) như : Béo phì; yếu tố gia đình- bố mẹ DTS thì con có nguy cơ cao DTS; yếu tố môi trường, chủng tộc, thói quen xem các phim của người lớn tác động lên hệ TKTW có thể kích hoạt hocmon hướng SD vùng dưới đồi làm khởi phát DTS.

2. Triệu chứng lâm sàng của dậy thì sớm

- Ở bé gái: Vú to, ra dịch âm đạo, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt

- Ở bé trai: Tinh hoàn to, Dương vật dài, thay đổi giọng nói ở bé trai, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, mụn trứng cá, giọng trầm đi

- Sự phát triển chiều cao cân nặng tăng cao hơn so với tốc độ bình. Chẩn đoán và can thiệp sớm có thể giúp đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ trở lại nhịp điệu thích hợp.

3. Hậu quả của dậy thì sớm

- Chiều cao trưởng thành thấp hơn (khoảng 12 cm– 20 cm),

- Ảnh hưởng tâm lý,

-  Nguy cơ lạm dụng tình dục sớm

-  Mãn kinh sớm.

4. Khuyến cáo của bác sỹ

            Xu hướng dậy thì sớm ngày càng tăng trên thế giới. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu dậy thì sớm, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để khám, đánh giá và làm thêm các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp x quang tuổi xương, MRI sọ não... để chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Có một số ít trường hợp là dậy thì bệnh lý cần phải điều trị kịp thời. Những trường hợp còn lại cần điều trị kìm hãm để đạt chiều cao tối đa lúc trưởng thành.

            Trẻ được chẩn đoán dậy thì sớm, sẽ được tiêm thuốc tại Bệnh Viện Sản Nhi Nghệ An. Thuốc điều trị cho trẻ DTS tương đối an toàn, ít tác dụng phụ, một số tác dụng  phụ ít gặp như nhức đầu, chóng mặt, xuất huyết âm đạo trong lần đầu tiêm ở trẻ gái, sau đó sẽ trở lại bình thường. Ngoài ra thuốc có thể gây giảm mật độ xương của trẻ và sẽ hết khi ngưng điều trị.

            Hiện nay, Bệnh Viện Sản Nhi Nghệ An đã triển khai khám, chẩn đoán bệnh dậy thì sớm. Bệnh viện đang điều trị và tiêm thuốc mỗi 12 tuần 1 lần cho 25 trẻ đã có chẩn đoán dậy thì sớm. Các bậc phụ huynh nếu phát hiện các bé có triệu chứng lâm sàng như trên, hãy đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để được các bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn điều trị kịp thời./

 - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 160
Tổng số lượt truy cập: 6224165