Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Vai trò của Chẩn đoán hình ảnh đối với bệnh lý ruột xoay bất toàn

Ruột xoay bất toàn là những bất thường do sự xoay và cố định không hoàn toàn của ruột, xảy ra trong thời kỳ phát triển của bào thai. Ruột xoay bất toàn là một dị tật tương đối ít gặp của đường tiêu hoá. Lâm sàng thường biểu hiện ở sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng cũng có thể âm thầm không triệu chứng đến khi tình trạng xoắn ruột xảy ra.

 

1. Giải phẫu và phôi thai học

Trong giai đoạn phôi thai, ruột nằm ngoài ổ bụng và trong khoang ối. Khoảng từ tuần thứ 10-12 ruột chui vào lại ổ bụng, xoay ngược chiều kim đồng hồ 270 độ quanh trục mạch mạc treo. Lúc này các quai ruột sẽ di chuyển để về đúng vị trí giải phẫu bình thường. Manh tràng sẽ đi về phía hố chậu phải và tá hỗng tràng nằm bên trái cột sống. Sau đó là quá trình cố định tá tràng và đại tràng.

 

 

2. Các thể bệnh

Khoảng 60% ruột xoay bất toàn có biểu hiện xoắn ruột. Khoảng 30% xảy ra trong tuần đầu sau sinh, 60% ở trẻ dưới 1 tháng và 75% ở trẻ dưới 1 tuổi.

Thường gặp nhất là ruột xoay bất toàn ở vị trí 180 độ, manh tràng nằm trước tá tràng, lúc này rễ chân mạc treo sẽ bị rút ngắn, dẫn đến xoắn toàn bộ ruột non. Dây chằng trước tá tràng (dây chằng Ladd) sẽ chèn ép gây tắc tá tràng không từ bên trong mà ở bên ngoài.

Hiếm gặp hơn, nếu ruột không xoay, lúc này sẽ có mạc treo chung và toàn bộ ruột non nằm bên phải và toàn bộ khung đại tràng nằm bên trái. Thường phát hiện ngẫu nhiên và thường không gây biến chứng.

 

 

3. Biểu hiện lâm sàng

  • Có thể không có biểu hiện lâm sàng.
  • Triệu chứng cấp tính với hình ảnh tắc ruột cao, nôn ói dịch xanh (do xoắn ruột hoặc dây chằng Ladd chèn vào), kích thích, bụng chướng, mất nước, đau bụng.
  • Biểu hiện mãn tính với đau bụng mạn tính, viêm tụy mạn, sụt cân, chậm tăng trưởng, chán ăn, tiêu chảy từng đợt hoặc tiêu máu.

 

4. Phương pháp chẩn đoán ruột quay bất toàn

4.1. Hỏi bệnh

  • Nôn ra dịch mật cấp ở trẻ sơ sinh trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.
  • Các triệu chứng không đặc hiệu có thể là: đau bụng mạn tính, viêm tụy mạn,

sụt cân, chậm tăng trưởng, chán ăn, tiêu chảy từng đợt hoặc tiêu máu.

  • Có thể không có triệu chứng và không biểu hiện lâm sàng.

 

4.2. Khám lâm sàng

Nếu ruột xoay bất toàn không xoắn ruột thường không có triệu chứng thực thể.

Ruột xoay bất toàn có xoắn ruột có các triệu chứng:

  • Bụng chướng (chướng dạ dày và tá tràng thứ phát do tắc tá tràng).
  • Trẻ thường kích thích, có thể biểu hiện tình trạng mất nước (do nôn ói và sự mất dịch vào khoang thứ ba của cơ thể).
  • Thể tích tuần hoàn mất, thiếu máu ruột non tiến triển, trẻ nhanh chóng đi vào sốc nhiễm trùng, lúc này có thể thấy các biểu hiện như: ban đỏ ở thành bụng, viêm phúc mạc, tụt huyết áp, suy hô hấp, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc cả hai, toan chuyển hóa hệ thống, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu.

 

4.3. Siêu âm

Bình thường, tĩnh mạch mạc treo tràng trên nằm bên phải động mạch mạc treo tràng trên. Ở bệnh nhân ruột xoay bất toàn, tĩnh mạch mạc treo tràng trên nằm bên trái động mạch mạc treo tràng trên. Tuy nhiên cũng có tỷ lệ nhỏ tĩnh mạch mạc treo tràng trên vẫn nằm bên phải động mạch mạc treo tràng trên.

Khi có biến chứng xoắn ruột, hình ảnh xoắn vặn tĩnh mạch mạc treo tràng trên quanh động mạch mạc treo tràng trên (dấu hiệu xoáy nước). Để xem được các mạch máu mạc treo có thể dùng Doppler màu để xác định.

Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như giãn tá tràng, dãn các quai ruột non, nhu động giảm, thành ruột dày, dịch giữa các quai ruột,.....

 

4.4 X-quang không chuẩn bị

Trong trường hợp xoắn ruột cấp, hình ảnh bóng đôi (bóng hơi dạ dày và tá tràng), có ít hơi trong các quai ruột bên dưới. Hình ảnh này không đặc hiệu có thể gặp trong teo hoặc tắc tá tràng do màng ngăn không lỗ thông.

Trong xoắn ruột mạn hoặc tắc tá tràng do dây chằng Ladd, có hình ảnh bóng đôi và có hơi trong các quai ruột bên dưới.

 

4.5. X-quang thực quản dạ dày – tá tràng

Chống chỉ định trong trường hợp xoắn ruột cấp. Cũng là chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ chẩn đoán:

  • Ruột xoay bất toàn có hình ảnh góc tá hỗng tràng nằm phía trước hoặc bên phải cột sống.
  • Hình ảnh xoắn vặn đoạn đầu hỗng tràng trong trường hợp xoắn mạn.
  • Toàn bộ ruột non nằm bên phải, trong trường hợp mạc treo chung, không biến chứng.

 

Hình ảnh xquang ruột non: Góc Treitz và hỗng tràng bên phải cột sống

 

Vị trí nối tá hỗng tràng bất thường của ruột xoay bất toàn:

  • Phim thẳng: Góc tá hỗng tràng không vượt qua đường giữa bên trái của cuống sống bên trái (đốt sống ngang mức hành tá tràng). Góc tá hỗng tràng nằm thấp hơn hành tá tràng.
  • Phim nghiêng: Các đoạn D2 và D3 của tá tràng không nằm ở phía sau (vị trí sau phúc mạc).

 

4.6. Chụp đại tràng cản quang

Ít sử dụng, nhằm xác định vị trí manh tràng. Khoảng 20-30% các trường hợp bị ruột xoay bất toàn, manh tràng nằm ở vị trí bình thường. Điều ngược lại cũng đúng, với vị trí của manh tràng ở những người bình thường là biến thể. Rất hiếm khi, manh tràng có thể bị xoay bất thường và ruột non ở vị trí bình thường.

 

4.7. Chụp cắt lớp vi tính

  • Cho thấy bất thường động mạch mạc treo tràng trên (nhỏ và vòng hơn)/ liên quan với tĩnh mạch mạc treo tràng trên.
  • Ruột già ở bên trái và ruột non ở bên phải.

 

5. Điều trị

Thời điểm phẫu thuật:

- Ruột xoay bất toàn không xoắn có triệu chứng thì phẫu thuật càng sớm càng tốt vì có nguy cơ xoắn.

- Ruột xoay bất toàn không xoắn và không có triệu chứng thì có thể sắp sếp mổ chương trình sau khi ổn định các rối loạn khác.

- Ruột xoay bất toàn có xoắn thì mổ cấp cứu ngay lập tức.

 

Nguyên tắc phẫu thuật:

- Tháo xoắn theo chiều ngược lại với chiều xoắn. Cắt nối ruột khi ruột hoại tử.

- Cắt dây chằng Ladd.

- Mở rộng chân mạc treo.

- Cắt ruột thừa dự phòng.

- Đưa toàn bộ ruột non vào bên phải, manh tràng và đại tràng bên trái ổ bụng.

- Có thể phẫu thuật nội soi trong trường hợp ruột xoay bất toàn không xoắn.


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 381
Tổng số lượt truy cập: 6356820