Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Tổng quan bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản

Hệ tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng giữ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng nuôi sống cơ thể. Tuy nhiên, với nhịp điệu sống hối hả, việc chăm sóc sức khỏe không được đảm bảo cùng với những thói quen xấu trong ăn uống là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới gia tăng bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản ở nước ta hiện nay. Có tới 70 % dân số trong độ tuổi 30 đến 50 đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề liên quan tới căn bệnh này. 

Hãy cùng tìm hiểu tổng quan về bệnh trào ngược dạ dày thực quản để có cái nhìn rõ hơn về mức độ nguy hiểm cùng như cách dự phòng mắc qua bài viết dưới đây.

 

Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản hay còn được gọi là bệnh trào ngược acid dạ dày, là tình trạng trào ngược ngắt quảng từng lúc hoặc thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian gây khó chịu và nguy hiểm hơn có thể đi kèm một số biến chứng như xuất huyết, thủng, hẹp môn vị, ung thư dạ dày, ung thư thực quản...

 

Hình ảnh trào ngược dạ dày – thực quản

 

Bởi vì trào ngược dạ dày là một tình trạng phổ biến, hầu như ai cũng từng mắc phải ít nhất một lần trong đời cho nên khi ở mức độ nhẹ hay nói cách khác là chưa có tổn thương niêm mạc thực quản và triệu chứng diễn ra trong thời gian ngắn thì mức độ nguy hiểm gần như là không có. Tuy nhiên triệu chứng trào ngược ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm giảm cảm giác ngon miệng khi ăn.

 

Cơ chế bệnh sinh quan trọng gây trào ngược thực quản dạ dày

Để di chuyển xuống dạ dày thì thực quản là cánh cửa đầu tiên mà thức ăn cùng với những dịch tiết phải đi qua. Vậy nên để hạn chế tác động của chúng đối với niêm mạc thực quản, cơ chế làm rỗng được hình thành. Sự làm rỗng nhờ vào nhu động thực quản đẩy dịch vị xuống và nhờ nước bọt trung hòa dịch vị. Điều này giúp dịch tiếp xúc với niêm mạc thực quản có độ acid thấp, hạn chế được tổn thương viêm loét. Do đó khi có bất kỳ khâu nào trong cơ chế làm rỗng bị rối loạn đều có thể dẫn tới tình trạng trào ngược thực quản.

 

Bên cạnh đó, cơ chế đóng - mở của hệ cơ vòng thực quản đảm bảo thức ăn đi xuống dạ dày theo một chiều nhất định. Tuy nhiên, khi cơ vòng gặp vấn đề, các dịch mật, hơi men dạ dày cùng thức ăn có thể trào ngược lên thực quản khi dạ dày co bóp. Tình trạng này diễn ra thường xuyên khiến niêm mạc vùng thực quản bị kích ứng, viêm loét cực kỳ nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời.

 

Một số nguyên nhân gây trào ngược thường gặp

- Rối loạn cơ thắt thực quản dưới do giãn cơ thắt thoáng qua hoặc  tăng áp lực ổ bụng từng đợt vượt qua áp lực cơ thắt dưới...

- Chậm vơi dạ dày có thể do liệt dạ dày, viêm loét làm giảm hoạt động...

- Bất thường giải phẫu như thoát vị hoành.

 

Một số yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh lý trào ngược:

- Béo phì, thai nghén.

- Thuốc lá.

- Sử dụng rượu bia, cafe, chocolate hoặc những thực phẩm giàu chất béo xấu.

- Sử dụng các thuốc như chẹn beta, nhóm Nitrat, chẹn canxi, thuốc chống trầm cảm...

- Thói quen ăn uống không khoa học,  khiến dạ dày tiết nhiều dịch tiêu hóa, hệ men tiêu hóa. Quá trình này dễ phát sinh các vấn đề như đầy hơi, căng dạ dày khiến áp lực tăng và dẫn đến trào ngược.

 

Dấu hiệu nhận biết trào ngược dạ dày thực quản

Để chẩn đoán bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản chủ yếu dựa vào lâm sàng với các triệu chứng kinh điển như:

- Đau thương vị với các tính chất đặc trưng. Đau có tính chu kỳ, liên quan rõ rệt tới bữa ăn. Cơn đau có thể lan ra sau lưng nếu có xuất hiện biến chứng thủng dạ dày.

- Đau kiểu bỏng rát, cồn cao do dịch vị có tính acid cao nên khi đi qua niêm mạc thực quản gây cảm giác nóng rát khó chịu.

- Thường xuyên bị ợ hơi, ợ chua, chậm tiêu, đầy bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn.

Tuy nhiên các bạn có thể dễ nhận thấy, triệu chứng của trào ngược tương đối giống với viêm loét dạ dày. Chính vì vậy để chẩn đoán xác định, bạn cần phải làm thêm một số các xét nghiệm trước khi điều trị như nội soi dạ dày – tá tràng, đo Ph thực quản 24h, đo áp lực thực quản...

 

Những cập nhật mới trong phác đồ điều trị bệnh lý trào ngược thực quản dạ dày của Bộ y tế

1. Chẩn đoán xác định

Bước đầu tiên để tiếp cận một bệnh nhân GERD (trào ngược thực quản dạ dày) cần phải hiểu rõ bản chất, nguyên nhân và các triệu chứng điển hình. Từ đó xem xét chỉ định các xét nghiệm cần thiết và lập ra kế hoạch điều trị.

 

 

Triệu chứng thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

 

Không phải bất cứ bệnh nhân nào có triệu chứng trào ngược đều có chỉ định nội soi. Bởi có khoảng 20-40% bệnh nhân khỏe mạnh có triệu chứng trào ngược dạ dày thoáng qua có thể tự khỏi và không cần điều trị. Theo phác độ của Bộ y tế, chỉ định nội soi khi có các triệu chứng báo đông như:

- Triệu chứng trào ngược dai dẳng hoặc tăng lên dù đã được điều trị bằng các loại thuốc thích hợp trước đó.

- Nuốt khó, nuốt đau liên tục.

- Sụt cân, nôn dai dẳng >7 ngày.

- Có bằng chứng của xuất huyết tiêu hóa hoặc thiếu máu.

- Có hình ảnh u hoặc tổn thương thực quản trên các xét nghiệm, phương tiện chẩn đoán khác như siêu âm, chụp X quang...

Sau khi được chẩn đoán xác định trào ngược thực quản dạ dày thì nên điều trị sớm để cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

 

2. Mục tiêu điều trị

Đối với bệnh nhân bị trào ngược, mục tiêu điều trị được đặt ra dựa vào mức độ trầm trọng của bệnh qua hình ảnh nội soi. Thông thường, bác sĩ thường sử dụng phân độ theo Los Angeles trên nội soi ống tiêu hóa để đánh giá tổn thương thực quản và chỉ định thuốc.

Mục tiêu điều trị gồm:

- Giải quyết nhanh các triệu chứng để cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.

- Hạn chế các tổn thương ở thực quản lan rộng.

- Điều trị và giảm thiểu tối đa biến chứng.

- Dự phòng tái phát.

 

3. Phương tiện điều trị

Y học hiện đại, con người ngày càng tiến gần hơn với những phương thực chữa bệnh mới an toàn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đối với trào ngược thực quản dạ dày thì việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc điều trị là firstline. Ngoài ra, nội soi tiêu hóa kết hợp phẫu thuật được cân nhắc ở những bệnh nhân có biến chứng hoặc tổn thương thực quản nặng mà dùng thuốc hiệu quả không cao.

Trong thuốc điều trị luôn có những cải tiến mới trong liều lượng, cách dùng hoặc đôi khi là loại thuốc. Hiện nay, ức chế bơm proton (PPI) được sử dụng phổ biến cho thấy hiệu quả tối ưu nhất. Bên cạnh đó, kháng thụ thể H2, thuốc trợ vận động, thuốc điều hòa hoạt động cơ thắt thực quản dưới cũng được kết hợp trong một số trường hợp nhất định để tăng động lực điều trị.

 

4. Phác đồ điều trị một bệnh nhân GERD

Khi được chẩn đoán GERD với các triệu chứng điển hình và chưa có biến chứng thì bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng:

- Thay đổi lối sống

- PPI 8 tuần với liều chuẩn. Tùy theo kinh nghiệm mà bác sĩ có thể kết hợp một hoặc hai loại PPI liệu chuẩn. Một số loại PPI thường dùng với liệu chuẩn như Omeprazole 20mg/ngày, lanzoprazole 30mg/ngày, pantoprazole 20mg/ngày, rabeprazole 20mg/ngày, esomeprazole 20mg/ngày.

Sau đó đánh giá đáp ứng điều trị, nếu không cải thiện thì tăng PPI liều gấp đôi hoặc đổi sang một loại PPI khác có động lực học cao hơn. Hoặc kết hợp PPI với kháng H2/Prokinetic trong 8 tuần. Nếu đáp ứng tốt thì giảm hoặc ngưng liều trình đang sử dụng. Trường hợp không đáp ứng thì chỉ định nội soi, xét nghiệm đánh giá chức năng thực quản và xây dựng một phác đồ điều trị khác phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Trong khi điều trị nên lưu ý những loại thuốc đi kèm mà bệnh nhân đang sử dụng chẹn beta, chẹn canxi... vì nó làm tăng nguy cơ trào ngược.

Bệnh cạnh đó khi bệnh nhân không đáp ứng tốt với điều trị cần xem xét vấn đề tuân thủ điều trị của bệnh nhân đã tốt hay chưa trước khi chuyển sang phác đồ điều trị mới. Và trong điều trị trào ngược thực quản dạ dày không được quên  điều trị dự phòng. Bởi nó là nguy cơ hàng đầu của kháng thuốc và biến chứng.

Riêng đối với những bệnh nhân có các biến chứng như loét thực quản, u thực quản, ung thư thực quản... cần được làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu và cân nhắc điều trị ngoại khoa.

 

5. Điều trị thay đổi lối sống là gì?

Thay đổi lối sống là cách tốt nhất để loại trừ các yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng trào ngược và tăng hiệu quả sử dụng thuốc.

 

Nguyên tắc chọn thực phẩm cho người bị trào ngược dạ dày – thực quản

 

Bệnh nhân cần:

- Giảm cân khi có tình trạng béo phì (chỉ số BMI >24). Giảm 3-5% trọng lượng cơ thể, giảm từ từ và không nên vượt quá 1,6kg/ tuần,

- Cai thuốc lá,

- Bỏ rượu bia

- Xây dựng chế độ ăn khoa học như không ăn quá no, không ăn khuya, tránh các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo xấu...

- Tránh nằm trong 3 giờ sau ăn,

- Nên ngủ kê cao đầu từ 8-100 so với phương pháp,

Để thành công chinh phục và chế ngự bệnh lý trào ngược dạ dày bạn cần tuân thủ điều trị một cách nghiêm túc. Bởi những bệnh lý dạ dày thường mãn tính, khó điều trị nhưng lại cực kỳ dễ tái phát bởi các yếu tố nguy cơ.  

Để có thể tầm soát và dự phòng mắc bệnh lý trào ngược, bạn nên đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc định kỳ 6 tháng một lần đối với người khỏe mạnh. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích nhất.


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 94
Tổng số lượt truy cập: 6224012