Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Những điều cần biết về bệnh Ghẻ ở trẻ em

Thời gian gần đây số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện tại khoa Nội nhi tổng hợp - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tăng chủ yếu là Trẻ em < 2 Tuổi

 

Bệnh ghẻ thường xảy ra vào mùa xuân-hè. Mỗi năm trên thế giới có rất nhiều trường hợp mắc ghẻ và đa số những trường hợp bị ghẻ đều ở những vùng dân cư đông đúc, sống trong điều iện nhà ở chật hẹp, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, vệ sinh kém. 

 

Nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ là gì?

Bệnh do ký sinh trùng ghẻ (Cái ghẻ, S.scabies) gây ra. Cái ghẻ đào hầm dưới da và đẻ trứng, gây các phản ứng miễn dịch và ngứa. Chúng rất nhỏ, không thể nhìn bằng mắt thường mà chỉ có thể thấy trên kính hiển vi.

 

 

Cái ghẻ - Nguyên nhân gây bệnh ghẻ ở trẻ em

 

Cái ghẻ đào hầm dưới da và đẻ trứng gây phản ứng miễn dịch và ngứa

  

Những vùng nào của cơ thể thường bị bệnh?

- Đường chỉ bàn tay và các kẽ ngón tay

- Nách

- Lằn chỉ cổ tay, nếp gấp khuỷu tay và khoeo chân

- Bụng, mặt trong đùi.

- Vùng sinh dục, gồm cả mông

- Ngón chân và các kẽ ngón chân

- Bên cạnh và lòng bàn chân.

 

 

Trẻ nữ 03 tháng tuổi, tổn thương sẩn ghẻ kèm mụn nước ở vùng cổ tay và bụng.

 

Triệu chứng của bệnh là gì?

Triệu chứng nổi bật là "ngứa" nhiều, đặc biệt là ban đêm, gây ảnh hưởng nhiều tới giấc ngủ của người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Bệnh dễ dàng lây lan giữa các thành viên trong gia đình nếu không được điều trị đúng cách. Sau đây là một số triệu chứng của bệnh ghẻ: 

- Thời gian ủ bệnh thường 4-6 tuần.

- Luống ghẻ là do cái ghẻ đào ở lớp sừng gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám ở đầu luống ghẻ có mụn nước, mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ.

- Sẩn cục ghẻ có màu nâu, tập trung chủ yếu ở vùng sinh dục trẻ nam, có thể gặp ở nách, mông. Một số sẩn cục tồn tại dai dẳng dù ghẻ đã hết.

- Tổn thương khác thường do ngứa gãi gây nên: vết xước, sẩn, trợt, vảy tiết, mụn nước, mụn mủ, chốc hóa, sẹo thâm màu, bạc màu. Thương tổn dai dẳng gây biến chứng nhiễm khuẩn, chàm hóa.

- Ngứa gặp ở hầu hết các bệnh nhân, ngứa nhiều nhất về đêm, lúc đi ngủ, ngứa vùng da non nhiều như vùng cạp quần, bẹn, mặt trong đùi. Ở trẻ em ngứa nhiều gây khó ngủ, quấy đêm.

- Dịch tễ: gia đình, tập thể nhiều người mắc bệnh tương tự và có tính chất lây lan.

 

 

Tổn thương mụn nước lòng bàn chân.

 

Bệnh lây lan như thế nào?

Bệnh ghẻ lây lan do việc tiếp xúc gần gũi giữa người với người. Bệnh cũng có thể lây do dùng chung quần áo, khăn tắm, ga chăn giường, và tiếp xúc da trực tiếp.

 

Bệnh được chẩn đoán khi nào?

Bệnh ghẻ được chẩn đoán khi có triệu chứng lâm sàng của ghẻ, có yếu tố dịch tễ (gia đình có người bị ngứa và biểu hiện lâm sàng tương tự) và có bằng chứng trực tiếp hoặc gián tiếp của ký sinh trùng ghẻ.

 

Bệnh được điều trị như thế nào?

- Các thành viên trong gia đình đều cần phải được điều trị để tránh lây lại cho nhau.

- Sử dụng thuốc đúng cách

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng ở, nhất là là bà mẹ đang cho con bú, ngâm giặt, luộc quần áo, chăn màn, gối sạch sẽ. Với các đồ dùng không thể giặt được (gối, thú nhồi bông lớn) cần được để vào túi ni lông và buộc kín trong 3 ngày.

 

Bệnh ghẻ có biến chứng gì không?

Trẻ bị ghẻ có thể xuất hiện các biến chứng như:

- Ghẻ chàm hóa

- Ghẻ bội nhiễm

- Viêm cầu thận do liên cầu

 

Vì vậy, khi trẻ gặp các dấu hiếu của bệnh ghẻ, hãy đưa trẻ đến các trung tâm y tế kịp thời để chữa trị, tránh những biến chứng không đáng có.

 

 Khoa Nội nhi tổng hợp - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 334
Tổng số lượt truy cập: 6223057