Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè cho trẻ

Thời tiết mùa hè với khí hậu nóng ẩm kéo dài tạo điều kiện cho nhiều loại virus, vi khuẩn, côn trùng phát triển, cùng với việc giao lưu đi lại của người dân tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh chưa tốt…là những điều kiện thuận lợi cho nguy cơ dịch bệnh gia tăng, bùng phát như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy do virus Rota, lỵ, thương hàn, viêm não do virus, viêm não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.

 

Để hạn chế các dịch bệnh mùa hè cho trẻ, chúng ta cần thực hiện những biện pháp phòng bệnh sau:

1. Ăn đủ chất và thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm

- Ăn đủ 4 nhóm chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

- Sử dụng thực phẩm, nguồn nước đảm bảo an toàn vệ sinh.

- Thực hiện ăn chín uống sôi.

- Thường xuyên vệ sinh bếp, vật dụng nấu ăn, bát, đĩa…

 

 

 

2. Uống đủ nước

Nhu cầu nước hàng ngày:

- Trẻ em từ 1kg đến 10kg, nhu cầu về nước là 100ml/kg.

- Trẻ em từ 11kg đến 20kg, nhu cầu nước là 1000ml/ngày và cộng thêm 50ml/kg cho mỗi 10kg tăng trưởng.

- Trẻ em từ 21kg trở lên, nhu cầu nước là 1500ml/ngày và cộng thêm 20 ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng trưởng.

- Đối với trẻ vị thành niên (10-18 tuổi) thì nhu cầu nước 40 ml/kg thể trọng.

 

 

 

3. Vệ sinh thân thể sạch sẽ

- Tắm gội sạch sẽ hằng ngày.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

- Mặc quần áo thoáng mát. Thay quần áo ngay khi bị mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi nhất là những trẻ hiếu động để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm…

 

4. Tiến hành diệt muỗi, bọ gậy quanh khu vực nơi ở

Diệt bọ gậy (lăng quăng), loại trừ nơi muỗi sinh đẻ, trú ngụ là biện pháp tích cực và hiệu quả nhất. Điều này đặc biệt cần thiết để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

- Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà, quanh làng bản.

- Loại bỏ những vật dụng quanh nhà, trong vườn (như thùng chứa nước tưới, gáo dừa, mảnh vỡ chai lọ bát đĩa, ly, chén, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng...) đọng nước mưa.

- Đậy kín chum, vại, bể chứa nước để muỗi không còn nơi đẻ.

- Hàng tuần cọ rửa các đồ chứa nước để loại bỏ trứng muỗi, thả cá cờ để diệt bọ gậy.

- Sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát.

- Tránh để muỗi đốt:

+ Xua muỗi, đốt hương trừ muỗi, xoa thuốc chống muỗi lên những phần da hở…

+ Không để trẻ chơi ở ngoài trời khi xẩm tối.

+ Không để trẻ ở trần hay chơi ở những xó xỉnh, tối tăm, ẩm thấp.

+ Cho trẻ ngủ màn kể cả những giấc ngủ ban ngày nhất là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

 

5. Đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng quy định của Bộ Y tế

Đối với các bệnh dịch có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, bạch hầu, ho gà..., các bậc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm.

 

6. Khám chữa bệnh kịp thời

Thường xuyên theo dõi trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời, không để lây lan sang người thân và cộng đồng.

 

 

Hình ảnh bệnh nhân đến khám chữa bênh tại khoa Khám bệnh – BV Sản Nhi Nghệ An

 

Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 46
Tổng số lượt truy cập: 6467933