Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Bệnh thuỷ đậu ở trẻ sơ sinh

Thủy đậu ở trẻ sơ sinh là bệnh xảy ra do virus thủy đậu có tên Varicella zoster (VZV) gây nên. Virus này có thể lây truyền từ mẹ sang con qua bánh rau khi mang thai hoặc mắc phải sau sinh  do tiếp xúc với các giọt bắn trong môi trường chứa virus thủy đậu (lây truyền qua đường hô hấp) hoặc tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc bị nhiễm bệnh.

 

1. Triệu chứng

Thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với tỷ lệ tử vong cao lên tới 30% do tổn thương đa cơ quan: phổi, gan và hệ thần kinh trung ương.

Trẻ sơ sinh được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm VZV hoặc những trẻ phơi nhiễm với virus thủy đậu có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu sơ sinh. Nguy cơ tử vong tăng lên khi người mẹ xuất hiện các triệu chứng của nhiễm thủy đậu từ 5 ngày trước sinh cho đến 2 ngày sau khi sinh vì không có đủ thời gian để hình thành và truyền kháng thể của mẹ cho con.

Khi nhiễm virus gây thủy đậu, trẻ sẽ trải qua bốn giai đoạn của bệnh. Dưới đây là những triệu chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh trong mỗi giai đoạn. Bố mẹ có thể tham khảo để giúp trẻ nhận biết sớm bệnh:

- Giai đoạn ủ bệnh:

Giai đoạn ủ bệnh là khoảng thời gian tính từ khi virus xâm nhập vào cơ thể trẻ cho đến khi phát bệnh. Thông thường ở giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 2 - 3 tuần, trẻ sẽ không xuất hiện triệu chứng rõ ràng nên bố mẹ rất khó để nhận biết được bệnh thủy đậu.

- Giai đoạn khởi phát:

Khi bệnh khởi phát, những triệu chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh như: mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, sốt nhẹ,… sẽ đột ngột xuất hiện. Đặc biệt, cơ thể trẻ sẽ bắt đầu nổi các vết phát ban đỏ trên da với kích thường từ 1 - 3 mm. Sau khoảng 12 - 24 giờ, các nốt ban sẽ phát triển thành mụn nước chứa dịch trong suốt và tập trung nhiều ở vùng đầu, mặt, thân và tứ chi.

Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn này, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh trường hợp bệnh tiến triển phức tạp.

- Giai đoạn toàn phát:

Đến giai đoạn này, mụn nước sẽ có kích thước to hơn và mọc khắp toàn thân. Mụn nước tròn trên nền viền da màu hồng, đường kính 3 - 13 mm. Trên một vùng da có thể xuất hiện mụn nước với nhiều lứa tuổi. Đây là triệu chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh rõ rệt nhất mà bố mẹ có thể nhận biết.

Nếu không điều trị đúng cách, các nốt mụn rất dễ bị nhiễm trùng. Lúc này, chúng sẽ có màu đục do chất dịch trong nốt mụn là mủ. Để kiểm soát tình trạng bệnh và tránh các biến chứng có thể xảy ra, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị tại cơ sở y tế uy tín. Tránh trường hợp chủ quan, tự ý mua thuốc về điều trị cho trẻ tại nhà. Cách làm này không giúp chữa lành bệnh mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng.

- Giai đoạn hồi phục:

Sau khoảng 7 - 10 ngày nếu không xảy ra các biến chứng thì mụn nước sẽ vỡ ra và khô lại. Chúng nhanh chóng đóng thành vảy rồi bong tróc. Lúc này, trên da trẻ có thể xuất hiện vùng da non có màu hồng hoặc các đốm sẹo nhỏ. Vì vậy, bố mẹ nên bôi kem chống để lại sẹo thâm cho trẻ.

 

2. Chẩn đoán

Việc chẩn đoán thủy đậu ở trẻ sơ sinh có thể dựa vào biểu hiện lâm sàng với biểu hiện đặc trưng là các tổn thương mụn nước trên da.

Chẩn đoán xác định bằng cách phát hiện virus thủy đậu trong dịch nốt phỏng, trong mảnh sinh thiết mô và/hoặc trong dịch não tủy bằng phương pháp PCR.

 

3. Điều trị 

Không giống như các trẻ lớn, đại đa số chỉ điều trị triệu chứng, để giảm nguy cơ biến chứng nặng và tử vong trẻ sơ sinh bị thủy đậu nên được dùng thuốc kháng virus (Acyclovir) càng sớm càng tốt, nhất là trong vòng 72 giờ sau khi có mụn nước.

Trẻ bị thủy đậu có ăn sữa mẹ được không?

Trẻ sơ sinh phơi nhiễm (mẹ đang bị thủy đậu, con không bị thủy đậu) hoặc bị nhiễm bệnh thủy đậu vẫn được khuyến khích cho ăn bằng sữa mẹ vì kháng thể trong sữa mẹ có thể có hiệu quả bảo vệ với trẻ. Tuy nhiên, cần chú ý nguy cơ lây bệnh khi vắt sữa cho trẻ chưa bị bệnh.

Có nên cách cách ly con khi mẹ bị thủy đậu?

Có. Những bà mẹ đang mắc bệnh phải được cách ly với trẻ sơ sinh con của họ cho đến khi không còn khả năng lây nhiễm để tránh lây bệnh cho con, thông thường từ 2 -3 tuần.

 

4. Dự phòng

Biện pháp dự phòng tốt nhất là tiêm phòng vắc xin thủy đậu cho trẻ nhất là trẻ gái và phụ nữ trước tuổi sinh đẻ. Trẻ sơ sinh tránh tiếp xúc với người bị thủy đậu.

Bạn phải làm gì khi con bạn bị thủy đậu ở tuổi sơ sinh?

Đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị sớm tránh các biến chứng nặng, không nên tự điều trị tại nhà như hầu hết trẻ lớn và người lớn.

 

Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 67
Tổng số lượt truy cập: 6223921