Phẫu thuật thành công bệnh lý niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới
Thời gian gần đây, khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công một trường hợp Niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới hiếm gặp.
Người bệnh là Vi Thị Huyền T (10 tuổi), địa chỉ Quỳ Hợp – Nghệ An, vào viện ngày 13/04/2023 với lý do đau thắt lưng âm ỉ vài tuần nay. Khám lâm sàng không phát hiện bất thường về hệ tiết niệu, không sốt, không đái máu, không rối loạn tiểu tiện, thận hai bên không to. Các xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu bình thường. Siêu âm phát hiện thận phải ứ nước độ II, niệu quản đoạn trên giãn 11mm, không phát hiện sỏi. Người bệnh được chụp cắt lớp vi tính, cho thấy thận phải ứ nước, niệu quản 1/3 trên giãn và có hình chữ J ngược, đến đoạn đốt sống thắt lưng 3 thì chạy vào trong. (Dấu hiệu kèn Saxophone ngược.)
Người bệnh được chẩn đoán: thận phải ứ nước do niệu quản sau tĩnh mạch chủ và được chỉ định phẫu thuật nội soi để giải phóng đoạn hẹp, cắt rời niệu quản và đưa niệu quản về vị trí bình thường, tái tạo sự lưu thông bằng nối niệu quản tận – tận trên ống sonde JJ, đặt dẫn lưu Douglas. Thời gian cuộc mổ diễn ra trong 100 phút. Diễn biến trong và sau cuộc mổ thuận lợi, bệnh nhân được rút dẫn lưu ngày thứ 3 và xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Sau mổ 1 tháng, người bệnh không gặp biến chứng sau mổ, kết quả chụp UIV, siêu âm kiểm tra không có dấu hiệu hẹp niệu quản, miệng nối niệu quản lưu thông tốt. Trẻ được rút sonde JJ vào ngày 30/06/2023. Sau mổ 3 tháng, thận phải giảm ứ nước, niệu quản phải lưu thông tốt, chức năng bài tiết bình thường.
Niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới (retrocaval ureter) là một dị dạng bẩm sinh hiếm gặp, trong đó thay vì nằm bên ngoài tĩnh mạch chủ dưới, niệu quản nằm sau và bên trong tĩnh mạch chủ dưới và bị đè ép gây ra tình trạng tắc nghẽn đoạn trên của niệu quản.
Niệu quản sau tĩnh mạch chủ thường biểu hiện vào lứa tuổi từ 20 – 40 tuổi. Bệnh rất hiếm khi được phát hiện ở trẻ em và chỉ có một số trường hợp được báo cáo. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh ước tính khoảng 1/1500 trẻ mỗi năm. Bệnh thường gặp ở trẻ nam hơn so với trẻ nữ, tỷ lệ nam/ nữ là 3/1 và thường xảy ra ở bên phải.
Cơ chế bệnh sinh thường do niệu quản bị chèn ép bởi tĩnh mạch chủ dưới gây hiện tượng hẹp niệu quản dẫn đến ứ nước thận, sỏi thận, nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận, thận mất chức năng. Diễn biến lâm sàng thường ít rầm rộ, biểu hiện đau tức âm ỉ vùng hông lưng bên có bệnh, cũng có khi cơn đau quặn thận do sỏi, đái buốt tái diễn, đái máu vi thể từng đợt.
Lâm sàng: Người bệnh sẽ tới khám với các triệu chứng của tình trạng tắc nghẽn đường tiết niệu trên: đau tức nặng vùng thắt lưng cùng bên, đái máu ở các mức độ khác nhau, sốt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Người bệnh tới viện vì biến chứng của bệnh như sỏi, u đường niệu trên…làm cho việc chẩn đoán có thể bị nhầm lẫn.
Cận lâm sàng: Trên phim chụp UIV và CLVT, hình ảnh điển hình của niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới là hình ảnh niệu quản 1/3 trên giãn hình chữ J ngược (hoặc hình lưỡi câu hoặc kèn Saxophone ngược), kéo dài đến đốt sống thắt lưng L3 và đi vào trong tĩnh mạch chủ dưới.
Niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới được chia thành 2 type:
- Type I (quai thấp): hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ 90% với niệu quản phía trên dãn có hình chữ “J” ngược, vị trí hẹp niệu quản ngang mức thắt lưng III, đoạn niệu quản xa không giãn chạy phía trong tĩnh mạch chủ dưới, chạy xuống bắt chéo bó mạch chậu bên phải.
- Type II (quai cao): ít gặp, niệu quản có hình liềm, vị trí hẹp ở chỗ nối bể thận niệu quản.
Phân loại niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới
Phẫu thuật là phương pháp điều trị bệnh chủ yếu, chỉ định mổ khi có tắc nghẽn niệu quản gây ứ nước thận hoặc khi có các triệu chứng, biến chứng nhiễm khuẩn niệu, sỏi tiết niệu.
Phương pháp điều trị
- Mổ tạo hình cắt nối niệu quản là lựa chọn tiêu chuẩn trọng các biện pháp can thiệp.
- Có thể mổ mở hay mổ nội soi, trong phúc mạc hay sau phúc mạc.
- Kỹ thuật mổ bao gồm: giải phóng niệu quản, cắt đoạn hẹp, trong trường hợp niệu quản dính chặt vào tĩnh mạch chủ thì có thể cắt 2 đầu để lại đoạn niệu quản dính này, có thể cắt bớt đoạn niệu quản dư thừa hoặc mất nhu động, chuyển niệu quản ra trước tĩnh mạch chủ và khâu nối niệu quản – niệu quản hay tạo hình khúc nối bể thận niệu quản đặt JJ.
Niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới là một bất thường bẩm sinh hiếm gặp, chẩn đoán chủ yếu dựa trên chụp niệu đồ tĩnh mạch và chụp cắt lớp vi tính. Phẫu thuật là phương pháp điều trị thường được sử dụng nhất, có thể giải quyết tốt được nguyên nhân, an toàn và có hiệu quả cao.
Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
SĐT: 0915. 675.229