Tìm hiểu bệnh động kinh ở trẻ?
Động kinh là một rối loạn thần kinh trầm trọng, đứng hàng thứ tư trong các bệnh lý thần kinh thường gặp nhất ở người lớn ở Mỹ, sau đột quỵ, Migraine và Alzheimer. Ở trẻ em, động kinh là bệnh thường gặp đứng hàng thứ hai trong số các bệnh mạn tính, sau hen suyễn và đứng đầu trong các bệnh lý thần kinh nhi ở Mỹ. Tại Việt Nam, động kinh đứng hàng thứ hai trong các bệnh lý thần kinh ở trẻ em, chỉ sau nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
1. Dịch tễ học
Động kinh là một bệnh phổ biến, tác động mọi lứa tuổi, đã có nhiều nghiên cứu về dịch tễ học động kinh được thực hiện ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy vậy các nghiên cứu này vẫn gặp khó khăn, ngay cả khi chỉ giới hạn ở trẻ em vì tính thiếu đồng nhất trong đặc điểm cơn, căn nguyên, đáp ứng thuốc, tiên lượng, bệnh mắc phải không phải chỉ giữa các cá thể mà ngay trong một cá thể giữa các giai đoạn phát triển. Tỷ lệ hiện mắc động kinh được ước tính ở các quốc gia khác nhau trong những năm gần đây trong khoảng từ 35/100.000 dân ở Phần Lan đến 124/100.000 dân ở Chi Lê. Ở Việt Nam, tỷ lệ hiện mắc động kinh là 4,9/1000 dân, động kinh trẻ em chiếm 64,5% trong tổng số động kinh chung, đứng hàng thứ hai trong các bệnh thần kinh ở trẻ em, chỉ sau nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Bệnh cũng thường xuất hiện sớm ở lứa tuổi nhỏ và tỷ lệ này giảm nhanh theo tuổi, một nửa số cơn xuất hiện ở lứa tuổi nhũ nhi và 75% xảy ra trước 20 tuổi. Động kinh khởi phát trước một tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm lứa tuổi khởi phát động kinh ở trẻ em. Ở các nước phát triển, tỷ lệ hiện mắc bệnh động kinh trung bình ở trẻ em từ lúc mới sinh đến 16 tuổi là khoảng 40 ca trong tổng số 100.000 trẻ mỗi năm, trong đó tỷ lệ hiện mắc trong một năm đầu là nhiều nhất, khoảng 120 ca trong 100.000 trẻ. Tỷ lệ mắc bệnh động kinh cũng cao hơn ở bé trai so với bé gái.
2. Chẩn đoán động kinh
- Động kinh là một bệnh lý não, chẩn đoán khi có một trong các đặc điểm sau:
+ Có ít nhất hai cơn co giật không có yếu tố kích gợi xảy ra cách nhau trên 24 giờ.
+ Một cơn co giật không có yếu tố kích gợi và khả năng tái phát cơn co giật không có yếu tố kích gợi với tỷ lệ tái phát ít nhất 60%, xảy ra trong 10 năm tới.
+ Chẩn đoán hội chứng động kinh.
- Cận lâm sàng: Điện não đồ
- Động kinh được xem là đã khỏi trong trường hợp bệnh nhân bị hội chứng động kinh liên quan đến tuổi nhưng đã qua độ tuổi của hội chứng động kinh hoặc không có cơn co giật trong 10 năm, và không cần dùng thuốc chống động kinh 5 năm.
Hình ảnh điện não đồ ở trẻ.
3. Điều trị động kinh
Ngày nay, với nhiều thông tin về bản chất bệnh động kinh, hậu quả, cơ chế và tác dụng phụ của thuốc điều trị động kinh từ các nghiên cứu đã thay đổi quan điểm trong việc điều trị động kinh. Quyết định điều trị và thời gian điều trị sau cơn co giật lần đầu phải được cân bằng với tác dụng phụ của thuốc điều trị và nguy cơ tái phát co giật ở bệnh nhi. Ở trẻ em, bắt đầu điều trị động kinh khi trẻ có ≥ 2 cơn co giật không sốt, thuốc chống động kinh là nền tảng trong điều trị động kinh và đạt được lui bệnh trong phần lớn bệnh nhân động kinh. Tuy nhiên, hơn 25% trẻ động kinh không kiểm soát được cơn hoặc phải chịu những tác dụng phụ nặng nề của thuốc.
Hình 2: Một số thuốc trong điều trị động kinh ở trẻ em
Chính vì vậy, nhiều phương pháp điều trị khác đã được đưa ra như: phẫu thuật động kinh, kích thích não bộ không xâm lấn và chế độ ăn sinh ketone,...
4. Hậu quả của động kinh kháng thuốc
Bệnh nhân động kinh kháng thuốc đang trở thành gánh nặng chính trong vấn đề động kinh trên thế giới, vì những hậu quả sau đó ảnh hưởng đến bệnh nhân như bệnh kèm theo, rối loạn tâm lý, hòa nhập xã hội, giảm chất lượng cuộc sống và gia tăng tỷ lệ tử vong. Ở trẻ em, ngoài nguyên nhân gây động kinh, động kinh kháng thuốc còn ảnh hưởng sự phát triển bình thường của não bộ và kéo theo những bất thường về nhận thức lâu dài. nghiên cứu của Cormack và cộng sự cho thấy rằng, sự suy giảm trí thông minh (đánh giá bằng IQ <79), hiện diện ở 57% bệnh nhân động kinh thùy thái dương. Tuổi khởi phát co giật cũng là một trong những yếu tố giá trị trong tiên lượng suy giảm trí thông minh ở trẻ động kinh. Một nghiên cứu khác của Bjornes và cộng sự cho thấy ở trẻ động kinh có sự giảm rõ rệt thang điểm toàn phần trong 1,5 năm theo dõi khi so sánh với trẻ bình thường và gợi ý rằng có IQ, sự thoái triển tâm thần một thời gian ngắn sau khởi phát động kinh. nghiên cứu của Hermann và cộng sự cũng cho thấy có sự giảm kéo dài chất trắng ở não trẻ bị động kinh thùy thái dương mạn tính. Sự giảm chất trắng này có liên quan đến rối loạn tâm thần kinh kéo dài ở trẻ. Mặt khác, một giả thuyết đã được đưa ra gần đây “co giật sinh ra co giật”, bệnh nhân động kinh kháng thuốc thường có những cơn co giật thường xuyên ngay từ đầu và những cơn co giật này thường không đáp ứng với thuốc chống động kinh ngay từ giai đoạn đầu, nhưng cũng chính những cơn co giật này làm nặng thêm tình trạng tổn thương não lúc đầu. Ngoài ra, những bệnh nhân động kinh kháng thuốc thường được điều trị đa trị liệu trong một thời gian dài. những bệnh nhân này là nhóm có nguy cơ chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc bao gồm tác dụng phụ phụ thuộc liều, phản ứng dị ứng, tác dụng phụ do dùng thuốc kéo dài và tác dụng phụ do tương tác thuốc.