Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Những tai biến sản khoa thường gặp và cách phòng tránh

Tai biến sản khoa là vấn đề sức khỏe xảy ra với bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bất kỳ sản phụ nào cũng có nguy cơ đối diện với tai biến sản khoa. Vì vậy, việc dự phòng và sớm đưa ra những biện pháp ngăn ngừa, can thiệp kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho sản phụ lẫn thai nhi. 

 

Các tai biến sản khoa có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ: có thể xảy ra trong lúc mang thai, trong lúc chuyển dạ, trong lúc sẩy thai hay sinh non, thậm chí trong thời gian hậu sản. Cụ thể theo giai đoạn sau:

 

  •   3 tháng đầu thai kỳ: Chửa ngoài tử cung, thai lưu, sảy thai, thai trứng...
  •   3 tháng giữa thai kỳ: Sảy thai, đẻ non...
  •   3 tháng cuối thai kỳ: Rau tiền đạo, rau bong non, vỡ tử dung, sản giật, tiền sản giật...
  •   Sau khi sinh: Sản giật, nhiễm khuẩn hậu sản, uốn ván rốn sơ sinh,..


Các tai biến sản khoa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào của thai kỳ.

 

Đặc biệt, trong khi sinh, có các trường hợp tai biến nghiêm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, sa dây rau...

 

Nguyên nhân tai biến sản khoa ?

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến các tai biến sản khoa, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do chậm trễ trong quá trình khám thai cũng như việc phát hiện nguy cơ chậm hoặc có thể do bác sĩ chẩn đoán và xử lý muộn, chuyển tuyến không kịp thời.

Ngoài ra, những yếu tố sau đây cũng làm tăng nguy cơ bị tai biến sản khoa:

  •  Phụ nữ mang thai có độ tuổi nhỏ hơn 17 và cao hơn 40 tuổi.
  •  Mẹ làm việc trong môi trường độc hại hoặc tiếp xúc với độc chất, tia X…; và có lối sống không lành mạnh: Hút thuốc lá, uống rượu,sử dụng ma túy…
  • Mẹ tự ý sử dụng thuốc khi mang thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Mẹ có tiền sử phẫu thuật: Phẫu thuật lấy thai, phẫu thuật khối u ở tử cung, các phẫu thuật ở ổ bụng.
  • Biến chứng thai kỳ: Vị trí thai bất thường, thai nhi phát triển chậm và hiện tượng bất đồng nhóm máu Rh (rhesus).
  • Đa thai:  Có thể gây ra tiền sản giật, sanh non và sanh sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hơn ½ ca song thai và khoảng 93% ca tam thai phải sanh sớm trước 37 tuần.

Bệnh lý nền có thể gia tăng khả năng có biến chứng sản khoa như:

    - Thừa cân và béo phì: tăng nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, thai chết lưu, khiếm khuyết ống thần kinh và sanh mổ. Các nghiên cứu của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NICHD) cho thấy, béo phì có thể làm tăng 15% nguy cơ bệnh lý tim mạch cho trẻ khi chào đời.

     -  Tăng huyết áp thai kỳ: Có thể gây tổn thương thận của mẹ và tăng nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân hoặc tiền sản giật

     -  Hội chứng buồng trứng đa nang: Tăng nguy cơ sảy thai ở tuổi thai trước 20 tuần, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và mổ lấy thai

     - Đái tháo đường (Tiểu đường): Tăng nguy cơ thai to, thai lưu, trẻ sinh ra dễ bị hạ đường huyết

     - Bệnh thận: Tăng nguy cơ chuyển dạ sinh sớm, trẻ nhẹ cân, tiền sản giật

       - Bệnh tự miễn: Mẹ mắc một trong các bệnh tự miễn như: lupus ban đỏ hệ thống, bệnh xơ cứng rải rác… làm tăng nguy cơ sanh sớm, thai lưu… 

      -  Bệnh lý khác như Bệnh tuyến giáp, HIV/AIDS, Nhiễm Zika trong thai kỳ

 

Trong các tai biến sản khoa thì có 5 tai biến sản khoa đặc biệt nguy hiểm; vì có nguy cơ đe dọa tính mạng của cả sản phụ lẫn thai nhi.

1. Vỡ tử cung

 

 

  Vỡ tử cung cũng là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm.

 

Vỡ tử cung cũng là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm có khả năng đe dọa tính mạng của cả mẹ lẫn thai nhi.

Thai phụ bị vỡ tử cung khi xuất hiện một vết rách trên thành tử cung, vết rách này toạc qua các lớp của thành tử cung cho đến khi vỡ hoàn toàn. Khi tử cung bị vỡ, phần lớn thai nhi sẽ chết. Người mẹ trong trường hợp này cũng có thể tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Vỡ tử cung thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ, và cả thời kỳ mang thai. Nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là do thai quá to, ngôi thai bất thường (ngôi ngang), đa thai hoặc từng có tổn thương tử cung (mổ lấy thai, nạo phá thai,…). Trước khi vỡ tử cung sẽ có một giai đoạn doạ vỡ tử cung. Lúc này, việc phát hiện sớm và can thiệp đúng lúc sẽ ngăn chặn được nguy cơ vỡ tử cung nguy hiểm.

Triệu chứng nhận biết nguy cơ vỡ tử cung: Cơn co thắt dồn dập làm cho sản phụ đau đớn vật vã, biểu hiện sốc (tái nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt, ngất), có thể ra máu âm đạo, mất tim thai, thấy các phần thai nhi dưới da bụng khi nắn bụng.

 

2. Băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh là tình trạng mất máu tích lũy 1.000ml hoặc mất máu do các dấu hiệu giảm thể tích máu trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Băng huyết sau sinh chiếm đến 35% trong tổng số nguyên nhân gây ra cái chết ở sản phụ trên toàn thế giới.

Tùy vào mức độ mất máu mà tình trạng băng huyết sau sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nhẹ khác nhau như: Choáng (giảm thể tích tuần hoàn), suy thận, suy đa cơ quan và dẫn đến tử vong. Ngoài ra, băng huyết sau sinh cũng là yếu tố gây ra hiện tượng nhiễm trùng hậu sản.

Về lâu dài, băng huyết sau sinh còn có thể gây thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan (do hoại tử tuyến yên gây suy nhược, rụng tóc, vô kinh và mất sữa). Nguy hiểm nhất là trường hợp phải cắt tử cung, dẫn đến tình trạng không thể có thêm con.

Băng huyết sau sinh thường gặp ở những mẹ từng sinh nhiều lần, con to. Bên cạnh đó, việc nạo thai quá nhiều và có vết mổ ở tử cung cũng là nguyên nhân dẫn tới biến chứng thai kỳ nguy hiểm này.  

 

Triệu chững nhận biết nguy cơ băng huyết sau sinh.

 

Những triệu chứng của biến chứng thai kỳ nhận biết nguy cơ băng huyết sau sinh gồm:

- Cơ thể mệt mỏi, tím tái, da xanh xao, khát nước, mạch đập nhanh và nhỏ, tụt huyết áp

- Chân tay lạnh, vã mồ hôi.

- Âm đạo và khu vực gần đó sưng, đau, nếu chảy máu là do tụ máu.

- Ra máu ở nhiều mức độ và hình thái khác nhau.

- Máu chảy ồ ạt qua ngả âm đạo ra ngoài. Trong một số trường hợp khác, máu đọng lại trong buồng tử cung hoặc tạo thành các khối huyết tụ.

 

 3. Nhiễm khuẩn hậu sản

Nhiễm trùng hậu sản là tình trạng nhiễm trùng xuất phát từ đường sinh dục (âm đạo, cổ tử cung, tử cung) trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí đe dọa tính mạng của sản phụ.

Các loại nhiễm trùng hậu sản thường gặp là nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo; Viêm niêm mạc tử cung, viêm quanh tử cung, viêm tử cung, viêm tắc tĩnh mạch, viêm phúc mạc toàn bộ, viêm phúc mạc tiểu khung, nhiễm trùng huyết.

 

Nhiễm khuẩn hậu sản.

 

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn hậu sản sẽ trải dài từ lúc trước, trong và sau sinh bao gồm:

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị không được vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo tính vô khuẩn

- Chỉ định và kỹ thuật can thiệp không đúng thời điểm trong lĩnh vực sản khoa cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản

- Không đảm bảo đúng quy trình chăm sóc sản phụ trước, trong và sau sinh

- Không xử lý tốt các nhiễm khuẩn ở đường sinh dục trước khi sinh

- Chuyển dạ kéo dài, ối vỡ non và sớm

Những triệu chứng nhiễm khuẩn hậu sản thường gặp:

- Sốt nhẹ, ớn lạnh, đau cơ, sản dịch có mùi hôi (biểu hiện của viêm nội mạc tử cung), tử cung co chậm và bị đau

- Một hoặc hai bên vú bị đau cứng, nóng đỏ dẫn tới tình trạng sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi hoặc đau đầu

- Vùng da xung quanh vết mổ bị đỏ, tiết dịch kèm sưng nóng

- Tiểu tiện bị đau, có cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên nhưng tiểu ít hoặc không có nước tiểu. Tiểu ra nhiều bọt có thể kèm máu

 

4. Tiền sản giật

Hội chứng tiền sản giật khi mang thai là biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ trong 3 tháng cuối. Cụ thể, huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên cùng với đó là tình trạng xuất hiện protein trong nước tiểu, gây ra bởi sự tổn thương đến thận.

 

 Tiền sản giật thường xảy ra trước khi lên cơn sản giật. 

 

Tiền sản giật thường xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà giai đoạn này có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc chỉ thoáng qua.

Tỷ lệ xảy ra cơn sản giật 50% trước sinh, 25% trong lúc sinh, 25% sau sinh và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết não làm sản phụ hôn mê sâu. Đối với bé, tiền sản giật có thể dẫn tới tình trạng sinh non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thậm chí là tử vong.

Tính đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây ra tình trạng tiền sản giật vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, đối với những nhóm thai phụ sau đây sẽ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn so với người bình thường:

- Mang song thai, tam thai

-Sinh con đầu lòng (con so)

- Mang thai khi tuổi đã cao (lớn hơn 40 tuổi)

- Xuất hiện cơn tăng huyết áp trước tuần 20 (huyết áp mạn)

- Có tiền căn tiểu đường hoặc bệnh lý ở thận

- Từng bị tiền sản giật trước đây

- Di truyền từ gia đình

- Thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ

- Thừa cân béo phì trong khi mang thai

Những dấu hiệu cho biết mẹ có nguy cơ cao bị tiền sản giật bao gồm: Nhiễm độc thai nghén nặng (phù, tăng huyết áp, protein niệu…). 

 

5. Uốn ván sơ sinh

 Uốn ván sơ sinh là tình trạng hệ thần kinh trung ương của trẻ bị nhiễm độc tố uốn ván Clostridium tetani. Loại độc tố này xâm nhập vào cơ thể của bé thông qua đường rốn, vết cắt dây rốn bằng dụng cụ không được tiệt trùng đúng quy cách.

Tùy vào mức độ mà uốn ván sơ sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ. Theo thống kế từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào những năm cuối của thế kỷ 20, có khoảng 500.000 trẻ tử vong do uốn ván sơ sinh mỗi năm ở các quốc gia đang phát triển.

 

Triệu chứng nhận biết uốn ván sơ sinh.

 

Những triệu chứng nhận biết uốn ván sơ sinh:

- Trẻ bị tê lưỡi, cứng cơ hàm

- Trẻ hay lên cơn co giật toàn thân và co cứng cơ

- Trẻ có hiện tượng bỏ ăn, bỏ bú, vã mồ hôi và sốt

- Trẻ thường xuyên nằm ưỡn, nắm chặt tay, gấp khuỷu tay duỗi thẳng chân

- Có hiện tượng co thắt phế quản, gây ngừng tim và tử vong

Tai biến khi mang thai có thể xuất hiện ở bất kỳ người mẹ nào. Do đó, việc dự phòng tai biến sản khoa có vai trò vô cùng quan trọng. Những trường hợp biến chứng thai kỳ nếu không được can thiệp kịp thời sẽ tăng nguy cơ bệnh tật, các dị dạng cho thai, làm trẻ bị trì trệ, kém phát triển sau này. Thậm chí, làm gia tăng tỷ lệ tử vong cho mẹ, thai và trẻ sơ sinh.

 

Cách phòng ngừa tai biến sản khoa

 

Để phòng ngừa các tai biến trong thai kỳ một cách triệt để nhất, thai phụ cần phải quản lý thai kỳ tốt. Cụ thể, trong quá trình mang thai bạn nên thường xuyên đi khám thai định kỳ và sinh nở ở những cơ sở y tế uy tín, có chuyên gia giỏi, trang thiết bị hiện đại. Điều này sẽ giúp bạn sớm phát hiện các thai kỳ nguy cơ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, hạn chế tối đa rủi ro đối với mẹ và bé.

 

Cách phòng ngừa tai biến sản khoa.

 

Cụ thể, những hoạt động thai phụ cần lưu ý để ngăn ngừa tai biến sản khoa:

- Khám thai định kỳ đầy đủ, đúng lịch; đặc biệt là các mốc 11 – 13 tuần, 20 – 24 tuần, 30 – 32 tuần nhằm phát hiện và chẩn đoán sớm, để can thiệp kịp thời.

- Thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra, siêu âm, xét nghiệm cần thiết giúp tầm soát dị tật thai và bất thường nếu có.

- Tiêm phòng uốn ván đầy đủ, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết (sắt, canxi…)

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.

- Ngay lập tức đến các cơ sở y tế khi gặp những dấu hiệu bất thường như: Đau bụng, chảy máu âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở.

- Thực hiện chăm sóc kỹ lưỡng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (cả sinh thường và sinh mổ).

- Tránh chuyển dạ kéo dài.

- Từ bỏ các thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích…

 

 

 

 

 

 

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 481
Tổng số lượt truy cập: 6223430