Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Những thông tin cần biết về Đái tháo đường thai

Bệnh đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và được phát hiện trong quá trình mang thai. Đái tháo đường thai kỳ khi nếu không được phát hiện sớm và điều trị sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Vì vậy, khám thai định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên giúp các mẹ đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con trong suốt thai kỳ. Hơn thế, ngay cả sau khi sinh vẫn phải theo dõi đường huyết vì có 1 tỉ lệ đái tháo đường thai kỳ trở thành đái tháo đường thực sự sau khi sinh.

 

Tiểu đường ảnh hưởng như thế nào đến con của bạn?

Em bé của bà mẹ tiểu đường thường lớn hơn bình thường, tâm lý các bà mẹ VN đều thích con mình nặng cân. Tuy nhiên, các em bé này thường có nhiều vấn đề về sức khỏe

Bé to thường dễ bị gãy xương đòn khi sinh hay kẹt vai lúc sinh (đầu bé sanh ra khỏi âm hộ nhưng vai bị kẹt lại). Khi đó BS sẽ làm 1 số thủ thuật để sanh bé, các thủ thuật này có nguy cơ làm gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay, bé ngạt

Tăng nguy cơ bị mổ lấy thai vì bé to không qua được đường sinh.

Sau sinh bé dễ bị hạ đường huyết, những trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê, co giật, tổn thương não

Bé thường có vấn đề về hô hấp, phổi của bé thường chậm trưởng thành hơn so với bé của bà mẹ không bị tiểu đường

Dễ bị hạ calci máu, có thể ảnh hưởng lên chức năng hoạt động của tim bé

Tăng nguy cơ vàng da nặng sau sinh

Tăng nguy cơ bé mất đột ngột ở 2 tháng cuối thai kỳ

Tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non

Bé thường thừa cân, béo phì về sau

Khi bé lớn, dễ bị bệnh đái tháo đường

 

 

 

Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng lên bạn như thế nào?

Em bé to, làm bạn tăng nguy cơ phải mổ lấy thai

Hình minh hoạ

 

Nếu sinh thường, khả năng tổn thương các cơ và dây chằng sàn chậu nhiều hơn, dễ dẫn đến sa tạng chậu hơn. Vết cắt ở tầng sinh môn cũng dài hơn

Về sau, bạn dễ bị bệnh đái tháo đường hay thừa cân

 

 Những vấn đề xảy ra khi kiểm soát đường huyết không tốt đối với sản phụ và thai nhi

 

Ai là người dễ bị tiểu đường khi mang thai?

Nếu người có một trong những yếu tố dưới đây sẽ dễ bị tiểu đường thai kỳ hơn so với người khác

– Thừa cân, BMI > 30

– Bị tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước

– Có đường trong nước tiểu

– Gia đình có người trực hệ bị tiểu đường

– Trên 35 tuổi

– Có tăng huyết áp

– Người ở vùng đông á, nam á

– Tiền sử mang thai lần trước:

+ Con to (>4kg)

+ Thai lưu (thai chết trong bụng) không rõ nguyên nhân

+ Sinh con dị tật, đặc biệt là các dị tật tim, thần kinh

 

Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ ở phụ nữ

 

Làm sao để biết tôi có bị tiểu đường thai kỳ không?

Như các yếu tố nguy cơ ở phía trên, có 1 yếu tố là người có nguồn gốc từ đông á hay nam á. Do vậy, đa phần phụ nữ VN là người có yếu tố nguy cơ. Bạn sẽ được làm test dung nạp đường trong thời điểm từ 24-28 tuần. Nếu bạn có quá nhiều yếu tố nguy cơ, bạn sẽ được làm test này khi khám thai lần đầu và lập lại lúc 24-28 tuần.

 

Test dung nạp đường được thực hiện như thế nào?

Bạn cần phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi làm xét nghiệm, trước đó bạn nên ăn bữa cuối như bình thường. Vào nơi xét nghiệm bạn sẽ được thử đường huyết đói, sau đó được uống 75g đường glucose, rồi được thử đường huyết 1 giờ và 2 giờ sau uống nước đường. Do vậy, sẽ dễ hơn khi thực hiện test này vào buổi sáng, bạn nên đến sớm để hoàn thành sớm 3 lần lấy máu rồi đi ăn sáng, nếu bạn đến trễ, thời gian nhịn đói kéo dài bạn dễ bị hạ đường huyết

 

Cần phải làm gì khi bị tiểu đường thai kỳ?

1. Thay đổi chế độ ăn

– Ba bữa ăn chính cần ăn ít lại, thêm vào 2 đến 4 bữa phụ. Chia nhỏ bữa ăn giúp cho lượng đường nạp vào ổn định không phải lúc quá cao lúc quá thấp. Bữa ăn vẫn gồm các chất chứa glucose như chế độ ăn bình thường nhưng lượng ít hơn, tốt nhất nên ăn các loại thực phẩm chứa glucose và chất xơ như khoai, đậu, … Các chất xơ sẽ giúp cho thức ăn được tiêu hóa và phóng thích glucose chậm và từ từ giúp ổn định đường huyết hơn các nguồn glucose khác

– Chất đạm là rất quan trọng, giúp cho bạn thấy no, cung cấp năng lượng cho cơ thể, ổn định đường huyết tốt

– Bữa ăn sáng rất quan trọng, đường huyết thường giảm vào buổi sáng, do sau 1 đêm dài không ăn. Hạn chế tinh bột, ăn nhiều đạm hơn

– Ăn nhiều chất xơ: rau, trái cây tươi, ngũ cốc,… các chất này sẽ phân hủy, cung cấp chất đường từ từ tránh đường huyết tăng cao sau mỗi bữa ăn

– Hạn chế sữa (có nhiều lactose). Trong sữa thường có calci, bạn cần bổ sung calci bằng nguồn khác. Chú ý bổ sung các vitamin và chất khoáng

– Các chất béo không bão hòa có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể và làm giảm lượng cholesterol. Các thức ăn có chứa chất béo không bão hòa là: dầu thực vật, dầu olive, quả hạch, bơ

 

2. Tập thể dục

– Tập thể dục vừa phải có thể giúp cơ thể bạn tăng tiêu thụ lượng đường. Tập 30 phút mỗi ngày như đi bộ, đạp xe, tập yoga

 

3. Dùng thuốc khi cần thiết

– Nếu đường huyết của bạn không được kiểm soát bằng cách thay đổi chế độ ăn và tập thể dục, bạn cần đến thuốc để ổn định đường huyết. Thuốc hạ đường huyết phổ biến nhất dùng trong thai kỳ là insulin tiêm

 

Sau sinh bạn cần làm gì?

Trong lúc mang thai bạn cần phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ và kiểm soát đường huyết tốt. Vậy sau khi sinh xong, bạn cần làm gì để giảm các nguy cơ và biến chứng tiểu đường

– Cho bé bú sớm để tránh hạ đường huyết cho bé. Bú sữa mẹ giúp giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường cho bé về sau

– Vì bé dễ bị béo phì, bệnh tim mạch về sau, bạn cần nuôi con bằng chế độ ăn tốt cho sức khỏe, giữ cân nặng phù hợp và tăng cường hoạt động thể lực

– Sau sinh 6-12 tuần, bạn cần làm lại test dung nạp đường để xem cơ thể mình có thể cân bằng đường huyết bình thường như trước khi mang thai không

– Giảm cân, ăn thức ăn tốt cho sức khỏe, tập thể dục thường xuyên

– Cho con bú giúp giảm cân sau sinh, góp phần giảm nguy cơ tiểu đường type 2 và bệnh lý tim mạch

 

Khoa Sản đẻ - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 394
Tổng số lượt truy cập: 6470162