Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Bệnh đái tháo đường ở trẻ em

1. Đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường (đường máu lúc đói > 7 mmol/l và sau ăn trên 11 mmol/l) do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2. Khi mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ các thực phẩm hàng ngày để tạo ra năng lượng, lâu dần gây nên hiện tượng tăng dần lượng đường tích tụ trong máu. Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Đái tháo đường gồm 2 loại chính: tuýp 1 và tuýp 2.

Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin. Insulin là một hormon được sản xuất ra bởi tế bào beta của tuyến tụy, hormon này giúp cơ thể sử dụng đường từ máu để tạo năng lượng. Đái tháo đường tuýp 1 chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin.

Với đái tháo đường type 2, vấn đề chính là sự đề kháng Insulin. Các tuyến tụy có thể tạo ra Insulin, thường với số lượng lớn, nhưng Insulin không hoạt động tốt vì các tế bào trong cơ thể đề kháng lại các tác dụng của Insulin. Với đái tháo đường type 2, một thời gian sau tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng với insulin và rơi vào tình trạng thiếu insulin.

Ngoài hai type đái tháo đường phổ biến trên, ở trẻ em còn có thể gặp các bệnh lý như đái tháo đường sơ sinh (trẻ dưới 1 tuổi), đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi (MODY), hoặc đái tháo đường đi kèm với các tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tuyến tụy (đái tháo đường thứ phát).

 

2. Nguyên nhân

Đái tháo đường type 1:

Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường type 1 rất phức tạp và vẫn còn chưa được hiểu rõ. Đái tháo đường xảy ra do sự kết hợp giữa gen trong cơ thể với một số yếu tố môi trường. Nếu một người được quy định bởi gen là có khuynh hướng xuất hiện bệnh đái tháo đường mà tiếp xúc với yếu tố kích hoạt trong môi trường thì bệnh đái tháo đường có thể sẽ xuất hiện. Nếu bệnh đái tháo đường được kích hoạt, hệ thống miễn dịch trong cơ thể sẽ tấn công các tế bào beta tụy và bắt đầu phá huỷ chúng, khiến việc sản xuất insulin sụt giảm. Thời gian để tế bào beta tụy bị phá huỷ thường là từ vài tuần đến vài năm, đến khi có trên 90% số lượng tế bào beta bị phá huỷ thì bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng.

Đái tháo đường type 2:

Đái tháo đường type 2 ngày càng phổ biến ở trẻ thanh thiếu niên. Nguyên nhân chính là do thừa cân hoặc béo phì, thường liên quan đến lối sống như vận động chưa đủ, ăn uống quá nhiều, ăn uống không lành mạnh (quá nhiều chất béo, quá nhiều đường hay tinh bột). Những người có nguy cơ cao nhất là những người bị “béo trung tâm” (tức là trọng lượng thừa tập trung vào bụng và vùng quanh bụng). Yếu tố gia đình cũng có vai trò ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường type 2.

 

3. Triệu chứng của bệnh đái tháo đường

Các triệu chứng của thể tiểu đường tuýp 1 thường diễn tiến nhanh, có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần với các biểu hiện điển hình gồm:\

- Cảm thấy đói và mệt

- Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều, đặc biệt là tiểu đêm.

- Khô miệng, ngứa da.

- Sụt cân.

- Thay đổi cảm xúc

Ở thể tiểu đường tuýp 2, các triệu chứng tiến triển âm thầm và phát triển trong nhiều năm, hầu hết bệnh nhân không gặp những triệu chứng rõ ràng như thể tiểu đường tuýp 1 nên khó phát hiện. Bệnh có thể vô tình được phát hiện qua xét nghiệm glucose máu hoặc có những biến chứng như vết thương nhiễm trùng lâu lành. Một số dấu hiệu nghi ngờ cần thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác bệnh tiểu đường gồm: Nhiễm trùng nấm men, vết thương chậm lành,…

 

4. Điều trị và lưu ý khi mắc bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường type 1:

- Bệnh đái tháo đường type 1 không thể ngăn ngừa được, không truyền nhiễm và được điều trị bằng cách tiêm dưới da Insulin.

- Chế độ ăn: Một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ tinh bột (carbohydrate), tương đương với lượng insulin tiêm vào cơ thể, không quá ít hoặc quá nhiều.

- Tập thể dục: Tập thể dục và vận động là yếu tố cấu thành lối sống khoẻ mạnh và giúp làm giảm tiến triển của bệnh.

- Tìm hiểu và học hỏi những điều cần biết về bệnh đái tháo đường để có thể kiểm soát tốt về bệnh.

 

Đái tháo đường type 2:

- Nhìn chung, các bệnh nhân đái tháo đường type 2 vẫn cần phải có các biện pháp hỗ trợ khác như uống thuốc hoặc tiêm insulin hoặc cả hai.

- Thay đổi lối sống lành mạnh hơn bao gồm vận động nhiều hơn, tập luyện thường xuyên, chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Với những trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên bị béo phì cần đặt ra mục tiêu là giảm cân hoặc duy trì cân nặng nhất định hoặc tăng cân từ từ để phù hợp với chiều cao của trẻ. Một số bệnh nhân đái tháo đường type 2 vẫn mạnh khỏe nếu ăn uống điều độ, vận động và giảm cân, và có thể không cần đến biện pháp điều trị nào khác, ít nhất là trong một vài năm.

- Khuyến khích sử dụng thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein nạc,…

- Hạn chế thức ăn và đồ uống có đường.

- Khuyến khích duy trì nhiều hoạt động thể chất và hạn chế thời gian dành cho các hoạt động ít vận động như xem TV, chơi điện tử hoặc trò chơi trên máy tính.

 

 

Khoa Dược - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 257
Tổng số lượt truy cập: 6398615