4. Cách thay túi HMNT cho trẻ
Ảnh minh họa hậu môn nhân tạo.
Chuẩn bị dụng cụ
- Nước muối sinh lý 0,9 % hoặc nước sạch ấm hoặc nước lá chè xanh đun chín.
- Găng tay, kéo, bông, gạc sạch mềm, bát đựng nước
- Túi HMNT.
Các bước tiến hành thay túi hậu môn nhân tạo
- Rửa sạch tay
- Đặt miếng lót dưới lưng bệnh nhân, về phía có hậu môn nhân tạo
- Đeo găng tay tháo bỏ túi hậu môn nhân tạo cũ đồng thời dùng giấy vệ sinh thấm lau bỏ phân còn dính trên miệnghậu môn nhân tạo và quanh da.( thao tác nhẹ nhàng tránh tổn thương da, niêm mạc)
- Thay găng tay dùng bông gạc thấm nước muối sinh lý 0,9 % hoặc nước sạch ấm hay nước chè xanh rửa nhẹ nhàng vùng da quanh HMNT
- Dùng gạc mềm thấm khô
- Đặt gạc có cắt lỗ vào chân hậu môn nhân tạo
- Lắp túi hậu môn nhân tạo và cố định túi hậu môn nhân tạo
5. Một số vấn đề cần lưu ý
Một túi dán hậu môn nhân tạo có thể được duy trì 3 -4 ngày. Luôn thay túi ngay khi có dấu hiệu túi dán bung hoặc rò rỉ phân dưới đế dán để tránh phân tiếp xúc với da bé gây kích ứng, viêm loét da. Có thể phải thay túi HMNT sau khi tắm ướt cho trẻ.
Luôn kiểm tra kỹ hậu môn nhân tạo của bé và vùng da xung quanh vào mỗi lần thay túi để kịp thời phát hiện các bất thường, nếu có. Vết thương nhiễm khuẩn quanh HMNT có thể do trẻ được dùng túi tự chế lâu ngày, gây kích ứng da do phân dính vào vùng da xung quanh HMNT hoặc do bố mẹ trẻ cắt lỗ túi to hơn kích cỡ của HMNT nên để khoảng trống trên da của trẻ. Do đó cần đo kích cỡ hậu môn nhân tạo cho bé trước khi cắt túi mới.
Thông thường, nên xả túi khi túi đầy khoảng một phần ba (1/3). Nhiều bố mẹ cảm thấy dễ dàng hơn khi xả túi cho bé mỗi 3-4 giờ vào tã (bỉm) hoặc khi cần, đối với các bé nhỏ. Với các bé lớn hơn, bố mẹ có thể dạy bé vào toilet và xả trực tiếp vào bồn cầu.
Một số loại thực phẩm có thể làm thay đổi tính chất của phân. Các chế phẩm từ sữa (sữa, phô mai, yogurt), tinh bột (mỳ, gạo, khoai tây), bánh mì, chuối, bơ đậu phộng có thể làm sệt phân. Các thực phẩm có thể làm lỏng phân gồm trái cây tươi và nước trái cây tươi, đậu xanh, thực phẩm chiên, chocolate và thức ăn nhiều gia vị. Các bố mẹ lưu ý điều chỉnh khẩu phần ăn, không nên kiêng cữ quá mức.
Túi HMNT có thể bị căng phồng do đầy hơi, bố mẹ chỉ cần mở phần miệng túi bên dưới để xả hơi, sau đó kẹp lại. Một số loại thực phẩm như đậu, nước uống có gas và rau họ cải cũng có thể gây sinh hơi hay do trẻ nuốt phải không khí như khi khóc, mút ti giả, uống bằng ống hút,…
Trẻ có thể bị mất nước và điện giải khi đang có túi HMNT: trẻ bị mất nước qua phân, trẻ bị sốt, nôn. Cần cho bé đến bác sỹ nếu có các dấu hiệu sau:
- Trẻ không đi tiểu hoặc tiểu ít trong vòng 4 – 6 giờ, nước tiểu có màu vàng sậm
- Trẻ mệt
- Niêm mạc miệng khô
- Mắt trũng
- Khóc không có nước mắt
Tắc nghẽn có thể xảy ra, đặc biệt là với trẻ có hậu môn nhân tạo hồi tràng (ileostomy) vì ống tiêu hóa hẹp hơn loại đại tràng. Một số thực phẩm khó tiêu cũng có thể góp phần gây tắc nghẽn. Vì vậy, cần lưu ý cho bé ăn chậm và nhai thật kỹ để phòng ngừa. Một số thực phẩm có khả năng gây tắc nghẽn như bắp và bắp rang bơ, cần tây, trái cây sấy khô, hạt, đậu hạt, vỏ rau củ hoặc vỏ hoa quả, đậu, thịt chế biến như xúc xích. Cần báo ngay cho bác sỹ nếu bé có các triệu chứng như:
- Đau bụng
- Sưng nề bụng hoặc hậu môn nhân tạo
- Phân lỏng nhiều hơn bình thường (kèm theo mùi)
- Phân ít hoặc không có phân trong 4 giờ
- Bé không thể ăn hoặc uống
- Bé nôn ói
- Bé khó chịu, bứt rứt
Các bố mẹ cần cho trẻ đến bệnh viện khám ngay khi quan sát HMNT thấy chuyển màu nâu tối, tím tái hoặc đen hoặc có máu trong phân chảy ra.