Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Sa sinh dục ở phụ nữ

Sa sinh dục là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ làm việc nặng, sinh đẻ nhiều, đẻ không an toàn trong lứa tuổi 40-50 tuổi trở lên. Phụ nữ chưa sinh nở cũng có thể sa sinh dục nhưng ít gặp hơn và chỉ sa cổ tử cung đơn thuần.

 

1. Khái niệm bệnh sa sinh dục

Sa sinh dục là hiện tượng mà tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ, thường kèm theo sa thành trước âm đạo và bàng quang hoặc sa thành sau âm đạo và trực tràng.

Tuy là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sa sinh dục lại ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Nhưng các bệnh nhân thường cam chịu, giấu bệnh vì căn căn bệnh khó nói này nên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là rắc rối trong quan hệ vợ chồng.

 

2. Nguyên nhân bệnh sa sinh dục

 

 

- Chửa đẻ: Đẻ nhiều, đẻ dày, đẻ không an toàn, không đúng kỹ thuật, rách tầng sinh môn không khâu.

- Lao động quá nặng: Lao động quá nặng hay quá sớm sau đẻ làm áp lực ổ bụng tăng lên khi các tổ chức còn yếu, chưa trở lại bình thường.

- Rối loạn dinh dưỡng: Thường gặp những người bị bệnh mãn tính, suy dinh dưỡng, lớn tuổi.

- Cơ địa: Ngoài ra còn do cơ địa bẩm sinh ở phụ nữ chưa đẻ lần nào, ở phụ nữ có sự thay đổi giải phẫu và chức năng của cơ quan sinh dục. Các trường hợp này thường sa cổ tử cung đơn thuần.

 

3. Triệu chứng bệnh sa sinh dục

Các triệu chứng mà người bệnh thấy được tuỳ thuộc mức độ sa nhiều hay ít, thời gian sa mới hay đã lâu, sa đơn thuần hay còn có tổn thương phối hợp, gồm có:

- Khối sa lồi ở vùng âm hộ, tầng sinh môn.

- Tức nặng bụng dưới, cảm giác vướng víu khó chịu vùng âm hộ - tầng sinh môn,

- Các triệu chứng rối loạn tiểu tiện (do bàng quang và niệu đạo bị sa): Đái khó, đái buốt, són đái, đái ra máu, bí đái.

- Rối loạn đại tiện (do sa trực tràng): Đại tiện khó, táo bón, bệnh nhân hay có cảm giác mót rặn, tức nặng vùng hậu môn.

- Chảy máu, dịch từ cổ tử cung do cổ tử cung bị viêm nhiễm, cọ sát.

- Sa sinh dục ở người trẻ tuổi có thể vẫn có thai nhưng dễ bị sảy thai hoặc đẻ non.

 

4. Các phương pháp điều trị sa sinh dục

 

Vòng nâng đặt trong âm đạo

 

a) Điều trị nội khoa

Đối tượng chỉ định:

  • Ở những bệnh nhân già yếu, mắc các bệnh mãn tính, không có điều kiện phẫu thuật.

Có 3 khả năng áp dụng:

  • Phục hồi chức năng, đặc biệt là ở tầng sinh môn: Hướng dẫn các bài tập co cơ để phục hồi cơ nâng ở vùng đáy chậu. Phương pháp này có thể làm mất các triệu chứng cơ năng và lùi lại thời gian phẫu thuật. Nếu phải phẫu thuật, thì việc phục hồi trương lực cơ đáy chậu cũng làm hạn chế tái phát sau mổ.
  • Vòng nâng đặt trong âm đạo: ngày nay ít có chỉ định.
  • Estrogen (ovestin, colpotrophine): Đôi khi có tác dụng tốt với một số trường hợp có triệu chứng cơ năng như đau bàng quang, giao hợp đau, có tác dụng tốt để chuẩn bị phẫu thuật.

 

b) Điều trị ngoại khoa

Là phương pháp chủ yếu trong điều trị sa sinh dục. Có nhiều phương pháp phẫu thuật sa sinh dục. Mục đích phẫu thuật nhằm phục hồi hệ thống nâng đỡ tử cung, nâng bàng quang, làm lại thành trước, thành sau âm đạo, khâu cơ nâng hậu môn và tái tạo tầng sinh môn. Phẫu thuật sa sinh dục chủ yếu bằng đường âm đạo hơn là bằng đường bụng. Ngoài cắt tử cung đơn thuần, nó còn tái tạo lại các thành âm đạo, vì vậy phẫu thuật trong sa sinh dục còn mang tính chất thẩm mỹ. Đây là ưu điểm chủ yếu mà phẫu thuật đường bụng không thể thực hiện được.

Các yếu tố có liên quan đến lựa chọn phương pháp phẫu thuật:

- Tuổi và khả năng sinh đẻ sau khi phẫu thuật.

- Khả năng sinh lý tình dục.

- Thể trạng chung của bệnh nhân.

- Mức độ sa sinh dục.

 

Có nhiều phương pháp phẫu thuật sa sinh dục. Nhưng có ba phương pháp thông dụng là:

1. Phương pháp Manchester:

Chỉ định chủ yếu cho phụ nữ còn trẻ, muốn có con và sa độ II. Phẫu thuật này cũng có thể áp dụng cho những bệnh nhân già sa sinh dục độ III mà không chịu được một cuộc phẫu thuật lớn.

Các bước phẫu thuật chính:

  • Cắt cụt cổ tử cung.
  • Khâu ngắn dây chằng Mackenrodt.
  • Khâu nâng bàng quang.
  • Làm lại thành trước.
  • Phục hồi cổ tử cung bằng các mũi Sturmdorft.
  • Làm lại thành sau âm đạo.

 

2. Phương pháp mổ Crossen:

  • Chỉ định: sa sinh dục độ III.
  • Cũng như phẫu thuật Manchester, phẫu thuật Crossen chỉ được tiến hành khi cổ tử cung không bị viêm loét.
  • Cắt tử cung hoàn toàn theo đường âm đạo. Buộc chéo các dây chằng Mackenrodt với dây chằng tròn bên kia để treo mỏm cắt khâu vào nhau thành cái võng chắc, chống sa ruột.
  • Khâu nâng bàng quang.
  • Làm lại thành trước.
  • Khâu cơ năng của hậu môn, làm lại thành sau âm đạo.
 
Phương pháp mổ Crossen được chỉ định khi bênh nhân bị sa sinh dục độ III

 

3. Phương pháp Lefort:

  • Đây là phương pháp đơn giản áp dụng cho người già, không còn quan hệ sinh lý, âm đạo cổ tử cung không viêm nhiễm.
  • Kỹ thuật: khâu kín âm đạo.
  • Ngoài ra, người ta có thể chỉ làm lại thành trước âm đạo, nâng bàng quang, hoặc làm lại thành sau âm đạo và nâng trực tràng.

Nếu áp dụng phương pháp này ở phụ nữ vẫn còn tử cung, cần phải để hai rãnh nhỏ trong âm đạo để thoát dịch trong tử cung ra. Nếu khâu kín toàn bộ có thể gây tình trạng áp xe tử cung, tiểu khung.

 

Tình trạng sa tử cung sau sinh ngày càng được quan tâm hơn vì những bất tiện và ảnh hưởng của bệnh đối với cuộc sống người phụ nữ. Tuy nhiên, vì lý do tế nhị nên phụ nữ thường ngại đi khám, âm thầm chịu đựng. Trong khi đó, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sa tử cung có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

 

Khoa Phụ ngoại - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 495
Tổng số lượt truy cập: 6344472