Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Dinh dưỡng hợp lý cho một thai kỳ khỏe mạnh

Dinh dưỡng hợp lý của người phụ nữ trong thời kỳ có thai là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của bào thai, sự tạo sữa trong thời kỳ cho con bú và sự lớn lên của trẻ sau khi được sinh ra.

 

 

Vậy nên dinh dưỡng đầy đủ và cân đối ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi: Quá trình bào thai phát triển từ một tế bào thành một cơ thể hoàn chỉnh, khi ra đời đứa trẻ mới khoẻ mạnh, thông minh. Tạo đủ sữa cho trẻ bú sau đẻ, trẻ chóng lớn và ít ốm đau. Vì thế, người phụ nữ có thai cần phải ăn nhiều hơn lúc bình thường và biết chọn các thức ăn để có đủ chất dinh dưỡng.

 

 

 Dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ và cân đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai kỳ

 

Tăng nhu cầu năng lượng cho các bà mẹ khi có thai: Hoạt động chuyển hóa trong cơ thể tăng, khối lượng cơ thể tăng,... dẫn đến nhu cầu năng lượng khi có thai tăng so với khi chưa mang thai. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng năm 2012: Nhu cầu năng lượng ở phụ nữ trong 3 tháng đầu như người bình, có thai 3 tháng giữa thai kỳ tăng nhu cầu năng lượng lên 360kcal/ngày (tương đương lưng bát cơm và thức ăn hợp lý), 3 tháng cuối nên tăng 475 kcal/ ngày (tương đương 2 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý)

Mối liên quan chặt chẽ giữa năng lượng trong khẩu phần, mức tăng cân của mẹ và cân nặng thai nhi.

Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là ăn đầy đủ cân đối 4 nhóm thực phẩm: Protein, Glucid, Lipid, Vitamin và Khoáng chất.

 

 

Thực phẩm nên ăn

 

Bổ sung đạm và chất béo giúp xây dựng và phát triển cơ thể thai nhi: Ngoài việc ăn đủ cơm cung cấp đủ glucid. Các mẹ cần chú ý hơn việc bổ sung chất đạm và chất béo. Trước hết đạm có nguồn gốc thực vật như  đậu tương, đậu xanh, vừng đen, vừng trắng, lạc,...Đạm động vật có thể bổ sung từ nhiều nguồn như thịt, cá, trứng, sữa hay hải sản tôm, cua, mực,…Chất đạm đặc biệt quan trọng ở 3 tháng đàu cho việc tạo hình và xây dựng các tổ chức nội tạng trong cơ thể như tim, gan, phổi và tế bào thần kinh.Cho nên nhu cầu protein cho mẹ bầu trong 6 tháng đầu 10-15g/ ngày ~ 50-70g ( thịt lợn, bò, gà) hoặc 80-90g ( mực, tôm, hải sản) và 12-18g/ ngày ~ 60-90g ( thịt lợn, bò, gà) hoặc 80-100g (mực, tôm, hải sản)  cho 3 tháng cuối. Chất béo là dung môi hòa  tan vitamin tan trong dầu nên các mẹ bầu chú ý việc sử dụng dầu thực vật trong chế biến và bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, cấc loại đậu, vừng, lạc,…

         

 Tháp dinh dưỡng dành cho mẹ bầu.

 

Chất khoáng và vitamin giúp thai nhi phát triền và đáp ứng nhu cầu cho mẹ. Các chất khoáng và vitamin là các chất dinh dưỡng tùy hàm lượng nhỏ nhưng có vai trò vô cùng quan trọng.

 

Sắt: Tham gia vào quá trình tạo máu, sắt có nhiều trong thịt đỏ như lợn, bò, dê,…trong các loại rau màu xanh đậm. Nhưng sắt trong thức ăn thường không đủ nhu cầu đối với các mẹ trong thai kỳ. Nên các mẹ nên đi khám đinh kỳ và dùng sắt theo đơn của bác sĩ.


Acid folic: Tham gia tạo máu và hình thành ống thần kinh. Nếu không đủ trẻ sinh ra sẽ dị dạng ống thần kinh. Nguồn cung cấp acid folic có nhiều trong trái cây, rau xanh, trứng. Nhưng trong khẩu phần ăn thường không đủ. Vì vậy các mẹ cần uống bổ sung.

 

Canxi: Tham gia vào cấu tạo khung xương cho thai nhi. Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá, sữa ngoài ra trong các loại đậu, và vừng lạc cũng có lượng canxi cao. Nhưng hàm lượng canxi trong thức ăn cũng không đủ so với nhu câu nên vẫn nên bổ sung canxi đường uống.

 

Vitamin tổng hợp: Vitamin nhóm B đặc biệt vitaminB1 là yếu tố cần thiết để chuyển hóa glucid. B1 có chủ yếu trong ngũ cốc nguyên cám, gạo xay sát dối như gạo lứt, đậu đỗ,…Vitamin A ngoài tác dụng sáng mắt thì vitaminA còn có tác dụng tăng đề kháng giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nguồn cùng cấp vitaminA từ động vật như: trứng, sữa, gan… Các loại rau xanh nhất là rau ngót, rau mống, rau dền, cà rốt, bí đỏ cung cấp vitamin A nguồn gốc thực vật.Bên cạnh vitamin nhóm B, vitamin A, thì các mẹ bầu cần bổ sung thực phẩm chứa vitaminC như: Hoa quả có múi( bưởi, cam, quýt,…), ổi,ớt chuông, rau lá xanh đậm cũng cần thiết vì vitamin C tăng đề kháng, hỗ trợ hấp thu sắt góp phần chống thiếu máu thiếu sắt.


 

Các thực phẩm nên bổ sung cho mẹ bầu.

 

 Đồ ăn thức uống hạn chế

 

Không nên dùng các loại đồ uống kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc

Giảm ăn các loại gia vị như: Ớt, hạt tiêu, tỏi,…

Giảm ăn mặn, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn

Để có một thai kỳ khỏe mạnh các mẹ hãy bổ sung dinh dưỡng một cách hợp lý, bổ sung vi chất theo nhu cầu phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ. Để yên tâm hơn các mẹ có thể khám dinh dưỡng tại khoa dinh dưỡng bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để có một chế độ dinh dưỡng cụ thể và phù hợp với từng sản phụ 

 

 

 

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 260
Tổng số lượt truy cập: 6222932