Chăm sóc trẻ đúng cách trong giai đoạn giao mùa
Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh, gió mùa kèm theo những cơn mưa làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, đặc biệt là ở trẻ em khi sức đề kháng của các con còn non yếu. Sự dao động của nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm cho hệ miễn dịch của trẻ vốn đã yếu nay càng yếu hơn. Bên cạnh đó, khí hậu nóng và ẩm là điều kiện thuận lợi để các virus gây bệnh phát triển và lan nhanh hơn.
Hình ảnh minh họa.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, số lượng trẻ đến khám và nhập viện tại Khoa Khám và điều trị Tự nguyện- Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vì những bệnh lý hô hấp đang tăng cao. Một số bệnh lý hay gặp là viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, sốt, các bệnh lý về tai mũi họng…
Để phòng tránh bệnh đường hô hấp vào thời điểm giao mùa cho bé, bố mẹ hãy lưu ý những điều sau nhé:
1. Tránh tiếp xúc nguồn lây bệnh
Người chăm sóc trẻ và trẻ cần thường xuyên rửa tay. Đặc biệt, cha mẹ cần nhớ rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với những người đang mắc các bệnh lý hô hấp. Nếu trẻ có triệu chứng mắc bệnh hô hấp hãy đeo khẩu trang cho trẻ và hạn chế đến nơi đông người.
Hướng dẫn trẻ không chạm tay vào mắt, mũi và miệng của mình, trẻ sử dụng khăn giấy sạch hoặc ít nhất nếu không có khăn giấy trẻ có thể sử dụng ống tay áo sạch để chấm vào mắt cay, ngứa mũi và che mũi miệng khi ho, hắt hơi. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, điện thoại, khăn, cốc và các đồ dùng của trẻ.
Hình ảnh minh họa.
2. Giữ ấm đường thở cho trẻ
Nên duy trì nhiệt độ phòng từ 25-28 độ C, thông thoáng và tránh gió lùa. Giữ ấm đồ ăn, thức uống. Trước khi cho trẻ ra ngoài nên đeo khẩu trang, đội mũ kín tai, mặc thêm áo khoác và đi giày ấm để tránh cảm lạnh đột ngột. Tuy nhiên không cần ủ ấm quá mức vì nếu mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu, rồi thấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi... Hơn nữa, việc ứ đọng mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, khó chịu.
3. Dinh dưỡng giúp tăng cường đề kháng
Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng: đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đạm và vitamin hỗ trợ duy trì sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể. Đạm (protein) có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, và các loại đậu/đỗ. Vitamin có nhiều trong trái cây tươi, rau xanh, nước ép hoa quả, dầu cá…
Với trẻ nhỏ, trẻ 0-6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn để có khả năng phòng chống bệnh, phát triển toàn diện nhất. Nếu không có điều kiện, mẹ cần cố gắng cho trẻ bú sữa ít nhất trong 2-3 tháng đầu để củng cố hệ miễn dịch cho trẻ. Cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt là nước ấm.
4. Cần thay đổi sinh hoạt cho trẻ khi giao mùa
Do thời tiết thất thường kèm theo ẩm thấp, mưa gió, việc thay đổi sinh hoạt cho trẻ là cần thiết. Cụ thể:
- Cần giữ ấm cho trẻ: Các mẹ cần lưu ý trang phục cho trẻ trong ngày để đảm bảo thân nhiệt. Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là vào ban đêm, chú ý phần cổ, tay, chân.
- Cần chú ý đến vệ sinh cho trẻ: Bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh trẻ, việc vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng hết sức lưu ý như: Cắt móng tay chân cho trẻ, thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày.
- Cần cho trẻ ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Cha mẹ hãy đảm bảo rằng con được ngủ đủ 9 - 12 tiếng mỗi ngày tùy theo lứa tuổi. Phòng ngủ của trẻ phải thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định, giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.
5. Cho con tiêm chủng đúng lịch để phòng cúm mùa và các bệnh truyền nhiễm khác
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật: Những sợi lông từ chó, mèo hay từ chăn gối, vỏ đệm… không được vệ sinh sạch sẽ là nguyên nhân chính khiến trẻ dễ bị ho, hen suyễn…
6. Không tự ý dùng thuốc cho con, sử dụng khi có hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
Trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp có thể nghẹt mũi, chảy mũi, cha mẹ cần làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng cách dùng khăn giấy thấm nhẹ nước mũi chảy ra, nên chọn loại khăn mềm, tránh lau nhiều gây đau rát mũi trẻ và không tái sử dụng.
Cần vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, nhỏ vào 2 bên mũi trẻ để làm loãng dịch mũi, giúp dịch mũi dễ đẩy ra ngoài hơn, làm sạch khoang mũi, loại bỏ phần nào tác nhân gây bệnh. Khi dịch mũi đặc gây tắc nghẽn, có thể dùng dụng cụ hút mũi (không dùng miệng để hút mũi cho trẻ vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn gây hại). Nên làm thông mũi cho trẻ trước khi ăn hoặc bú nếu dịch mũi quá nhiều, đặc quánh, giúp cho trẻ không bị nôn khi ăn uống.
Khi ngủ cho trẻ nằm cao đầu, điều này sẽ giúp trẻ dễ thở hơn. Giữ ấm cơ thể cho trẻ khi thời tiết lạnh, tránh những nơi ẩm thấp. Không gian sinh hoạt, phòng ngủ cần thông thoáng, sạch sẽ.
Bố mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế ngay khi con có các triệu chứng bất thường như:
+ Sốt cao
+ Trẻ dưới 2 tháng
+ Ho tăng lên, khó thở, khò khè…
+ Thở nhanh
+ Nôn nhiều, bú kém, không bú được
+ Li bì, quấy khóc…
+ Co giật …