Hội chứng tã hồng ở trẻ nhỏ, những điều phụ huynh cần lưu ý
Vừa qua, khoa Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận trường hợp bé trai L.M.P (6 tháng, Hưng Nguyên) nhập viện vì phát hiện đáy bỉm có màu đỏ, gia đình lo lắng đưa trẻ vào Bệnh viện kiểm tra.
Qua khai thác tiền sử, người nhà bệnh nhi cho biết, khoảng 10 ngày gần đây, mẹ phát hiện thấy bỉm và quần cháu thường có những vệt màu hồng, gạch như máu, ngày có ngày không. Ngoài ra, trẻ không có dấu hiệu bất thường khác, không sốt, không tiểu đau, tiểu dắt và trẻ vẫn bú tốt, chơi ngoan. Tại đây, trẻ được thăm khám và chỉ định thực hiện những cận lâm sàng cần thiết. Kết quả xét nghiệm nước tiểu, máu và siêu âm bụng không phát hiện bất thường hệ tiết niệu.
Tình trạng nước tiểu màu đỏ khi đọng lại bỉm của bé được các bác sĩ cho là giải thích là hội chứng tã hồng. Nguyên nhân hội chứng này ở trẻ sơ sinh được biết đến do nồng độ cao axit uric – một chất thải có trong máu và được bài tiết qua nước tiểu dưới dạn urate. Khi kết hợp canxi và urat – những chất thường có trong nước tiểu, chúng tạo thành các tinh thể dạng bột như phấn màu hồng, màu gạch hay đỏ cam trong tã bé, có mùi khai của nước tiểu thay vì mùi kim loại như máu. Bình thường mắt thường không nhìn thấy vì các chất này hòa tan trong nước tiểu. Khi trẻ bị thiếu dịch do bú ít hoặc mất nước làm nước tiểu bị cô đặc dẫn đến xuất hiện các tinh thể này.
Tình trạng này thường gặp ở trẻ đang bú mẹ, đặc biệt trong những ngày đầu sau sinh, khi mẹ chưa tạo được nguồn sữa tốt cho bé hoặc vào mùa nóng trẻ dễ mất nước qua mồ hôi khiến nước tiểu bị cô đặc. Một vài tuần sau sinh, lúc mẹ có sữa và cho bé bú đều đặn hơn, chất lượng sữa của mẹ tốt và ổn định, trẻ được bú mẹ đầy đủ hơn hoặc bổ sung thêm nước đối với trẻ lớn hơn thì tình trạng này sẽ biến mất. Do xuất phát từ nguyên nhân sinh lý lành tính nên màu hồng trong bỉm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường không có gì đáng lo ngại. Phụ huynh có thể quan sát thêm nguyên nhân các màu sắc lạ này trong tã của con, là máu hay dạng bột khô có màu gạch, màu cam để kiểm tra.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần chú ý tuân thủ chế độ ăn giàu dinh dưỡng, uống thêm nước để cung cấp nguồn sữa chất lượng cho bé bú. Màu hồng càng đậm cho thấy nước tiểu càng đặc, trẻ không được cung cấp đủ lượng chất lỏng cần thiết. Tuy nhiên, nếu sau 5 ngày nước tiểu của bé vẫn có màu hồng, hoặc ngay khi trẻ có các dấu hiệu sức khoẻ bất thường như: sốt, tiểu đau, tiểu dắt, quấy khóc, chậm tăng cân… thì các bậc phụ huynh nên đưa con đến Bệnh viện có chuyên khoa để làm rõ nguyên nhân do sữa mẹ hay vấn đề sức khoẻ tiềm ẩn nào khác./.