Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Chủ quan chỉ vì mụn nhọt, nhiều trẻ nhiễm khuẩn huyết do nhiễm khuẩn tụ cầu

Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, thời gian gần đây khoa tiếp nhận nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Trường hợp bệnh nhi L.T.D (65 tháng, ở TP. Hà Tĩnh) được đưa tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An với biểu hiện sốt từng cơn, đau khớp gối phải, hạn chế vận động. Người nhà cho biết, trước đó trẻ bị một vết nhọt nhỏ vùng bàn chân trái. Tại đây, trẻ được chỉ định nhập viện vào khoa Hồi sức Tích cực Chống độc trong tình trạng: trẻ tỉnh, mệt, niêm mạc kém hồng, vẻ mặt nhiễm trùng, sốt cao từng cơn, ăn uống kém; đau khớp háng, khớp gối phải, hạn chế vận động và hạch bẹn phải sưng. Trẻ được các bác sĩ thăm khám và thực hiện những cận lâm sàng cần thiết. Kết quả chụp CLVT xương chi cho thấy: Hình ảnh tràn dịch khớp háng phải. Theo dõi viêm mô tế bào đùi phải, hạch bẹn hai bên. Siêu âm Doppler: Huyết khối bám thành vị trí hợp lưu tĩnh mạch đùi và tĩnh mạch hiển lớn bên chân phải. Sau 2 ngày, trẻ được cấy máu mọc Staphylococcus aureus (Tụ cầu vàng). Bệnh nhi được chỉ định điều trị 3 loại kháng sinh, điều trị huyết khối. Sau 22 ngày điều trị, bệnh nhi ổn định và được xuất viện.

Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng có thể gây tử vong

Tương tự, trường hợp khác bé trai T.H (56 tháng, ở Đô Lương, Nghệ An). Theo lời mẹ bệnh nhi kể: Cách vào viện 4 ngày, bé bị vỡ nốt mụn vùng sống mũi. 2 ngày nay, trẻ xuất hiện sốt cao từng cơn, kèm sưng nóng đỏ vùng sống mũi và mắt 2 bên  ngứa, gia đình lo lắng đưa trẻ đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để kiểm tra. Trẻ được chỉ định nhập khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, trong tình trạng trẻ tỉnh, vẻ mặt nhiễm khuẩn, sưng nóng đỏ vùng sống mũi, 2 mắt, ngứa, ghèn 2 bên, sốt cao từng cơn. Sau khi được các bác sĩ thăm khám trẻ được chẩn đoán Áp xe vùng sống mũi, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Nhanh chóng, các bác sĩ đã chỉ định cho trẻ được cấy máu và mọc vi khuẩn Staphylococcus aureus (Tụ cầu vàng); đồng thời, chỉ định điều trị kháng sinh, chích rạch vùng áp xe. Sau 14 ngày điều trị tích cực, trẻ được ra viện.

BSCKII. Nguyễn Hùng Mạnh – Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, nhiễm khuẩn huyết tụ cầu vàng là do các vi khuẩn tụ cầu, các loại vi trùng được phát hiện trên da hoặc trên mũi, có thể xuất hiện trên cơ thể người khỏe mạnh. Thông thường các vi khuẩn này nằm trên da sẽ không gây bệnh hoặc chỉ gây ra các vấn đề nhiễm trùng da tương đối nhỏ. Tuy nhiên nhiễm khuẩn do tụ cầu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và các di chứng nặng nề nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu.

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn huyết tụ cầu ở trẻ em là do vi trùng xâm nhập vào cơ thể thông qua những nốt mụn nhọt ngoài da, những vết cắt hoặc vết thương khác khác trên vùng da lành… Chúng sẽ tiết ra các chất độc hại đối với cơ thể, dẫn đến các ổ viêm mủ ở nhiều cơ quan như phổi, tim, xương khớp, rối loạn đông máu gây tắc mạch chi mạch phổi hoặc gây chảy máu khó cầm nhiều cơ quan, áp-xe thận suy thận…

Trẻ nhiễm khuẩn huyết tụ cầu thường có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có thể có ban ngoài da, rối loạn tiêu hóa trên một trẻ đã hoặc đang có tổn thương mụn, nhọt ngoài da trước đó. Cá biệt một số trẻ nhỏ không có đường vào ngoài da rõ rệt gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bác sỹ khuyến cáo, để phòng tránh nhiễm khuẩn các bậc phụ huynh cần giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, mặc thoáng cho trẻ, tránh để mồ hôi  vì đây là điều thuận lợi để tụ cầu phát triển và gây bệnh. Chú ý khi tắm cho trẻ nhỏ cần tắm kỹ ở những nếp gấp da, kẽ da vì ở đây thường tích tụ nhiều chất bẩn. Khi trẻ có mụn, nhọt cha mẹ không được tự ý chích, nặn hoặc dùng các loại cao dán, lá cây để đắp vì dễ gây viêm loét diện rộng, gây nhiễm trùng máu. Vết cắt, vết trầy xước trên da phải luôn được giữ sạch sẽ cho đến khi lành.

Nếu trẻ có sốt hoặc vùng tổn thương ngoài da sưng nóng đỏ nhiều, nên sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị (nhóm vi khuẩn tụ cầu cần điều trị nhóm kháng sinh đặc hiệu do bản thân động lực vi khuẩn cũng như tình trạng tụ cầu kháng kháng sinh đang gia tăng).


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 475
Tổng số lượt truy cập: 6344380