Cảnh báo tai nạn bỏng điện ở trẻ nhỏ
Đối với các ông bố bà mẹ, chăm sóc cho trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại những nguy hiểm đối với trẻ ngay chính trong căn nhà, tổ ấm của mình và một trong những nguy hiểm luôn tiềm ẩn sực chờ đó chính là ĐIỆN.
Thời gian vừa qua, Khoa CTCH – Bỏng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận 2 trường hợp bị bỏng điện do sự tò mò trong lúc chơi đùa ở nhà.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi N.K.H (3 tuổi, quê quán Yên Thành) do trí tò mò nên đã sờ tay vào ổ cắm điện và bị giật, may mắn được gỡ ra kịp thời nhưng ngón tay đã bị bỏng. Nghĩ vết thương đơn giản nên gia đình tự chữa ở nhà. Nhưng sau hơn 1 tuần thấy vết thương mãi không khỏi thì mới đưa vào viện với tình trạng mất hết gân và lộ xương, bỏng điện độ III - IV nhiễm trùng. Khi nhập viện gia đình bệnh nhi H nghĩ rằng không thể cứu chữa nên mong muốn cắt cụt tạo mỏm ngón tay cho bé. Tuy nhiên, với kỹ thuật và trình độ y học hiện nay, phương pháp trên là không hợp lý và cần thiết. Sau 1 ngày đắn đo suy nghĩ và được sự giải thích cặn kẽ của bác sỹ, Bố bé đã đồng ý với phương pháp hậu phẫu tạo hình ngón 2 bàn tay phải, dấu ngón tay bị thương vào bụng.
Vết thương do bỏng điện gây mất gân, lộ xương khi vô tình sờ tay vào ổ cắm điện và phương pháp cấy ngón tay vào bụng để phục hồi phần ngón tay bị thương
Và thế là sau 2 ca mổ cùng với sự đồng hành của gia đình và sự cố gắng của bé. Ngón tay của cháu đã được giữ lại nguyên vẹn. Bệnh nhi bình phục và xuất viện sau hơn 3 tuần điều trị.
Ngón tay bị thương đã được giữ lại nguyên vẹn sau 2 ca mổ của ekip khoa CTCH-B
Trường hợp thứ 2 cũng là ca bỏng điện gần đây nhất điều trị tại khoa CTCH – Bỏng, bệnh nhi K.T.N.V (8 tuổi, ở Quỳ Hợp) bị bỏng điện 1% độ IV gây tổn thương bỏng mô cái và ngón 4 bàn tay P. Cũng giống với trường hợp đầu tiên, gia đình trước đó có điều trị cho trẻ ở nhà nhưng không đỡ nên đã nhập viện để điều trị.
Ngón tay và 1 phần bàn tay bị hoại tử và lộ xương của bệnh nhi V
ThS.BS. Nguyễn Văn Thưởng - Khoa CTCH – Bỏng cùng ekip đã lựa chọn phương pháp hậu phẫu chuyển vạt và dấu ngón tay bị thương vào bụng tương tự như trường hợp đầu tiên, ca mổ diễn ra thuận lợi và trẻ đã có thể xuất viện với một sức khoẻ ổn định sau hơn 2 tuần điều trị.
Ca phẫu thuật của ekip mổ được diễn ra thuận lợi
Ths.BS Nguyễn Văn Thưởng thăm khám cho bệnh nhi trong quá trình hồi phục
“Những tai nạn do điện gây ra như trên là điều đáng tiếc không may xảy ra, nguyên nhân chính là sự tò mò và chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm về điện của trẻ. Các vết thương bị bỏng do điện là hết sức nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và đời sống sinh hoạt của trẻ vì vậy khi gặp phải những tai nạn trên cần kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hơn hết, bố mẹ và người thân khi chăm sóc trẻ nhỏ cần phải chú ý, cẩn thận đối với những vật dụng sử dụng điện, tránh xa tầm tay của trẻ em”: ThS.BS. Nguyễn Văn Thưởng chia sẻ thêm.
Nâng cao cảnh giác và trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn cho trẻ về điện giật là phương pháp không thể thiếu dành cho các bậc phụ huynh. Hãy dành cho trẻ không gian sống và vui chơi an toàn để trẻ có thể phát triển tốt nhất!
Khoa CTCH - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An