Những điều cần biết về Hẹp khí quản
Hẹp khí quản là gì?
Hẹp khí quản trẻ em là tình trạng hẹp bẩm sinh hoặc mắc phải của khí quản so với kích thước giải phẫu sinh lý bình thường theo độ tuổi của trẻ, gây triệu chứng của tắc nghẽn đường dẫn khí.
Nguyên nhân hẹp khí quản:
- Hẹp khí quản bẩm sinh: là bệnh lý hiếm gặp thường kết hợp với các dị dạng khác của hô hấp, tim mạch và dạ dày ruột. Các nguyên nhân có thể có như: Hẹp cố định khí quản bẩm sinh; mềm sụn khí quản bẩm sinh hoặc có thể do chèn ép từ ngoài vào: vòng mạch, u trung thất, …
- Hẹp khí quản mắc phải:
- Hẹp khí quản sau đặt nội khí quản: đây là nguyên nhân thường gặp nhất
- Sẹo hẹp khí quản sau mở khí quản
- Trào ngược dạ dày - thực quản
- Rò khí thực quản
- Sau phẫu thuật liên quan đến lồng ngực. cổ
- …
Chẩn đoán hẹp khí quản:
- Lâm sàng: tùy vào vị trí hẹp, mức độ hẹp và nguyên nhân triệu chứng của tắc nghẽn đường dẫn khí sẽ thay đổi khác nhau.
- Hẹp 1/3 trên của khí quản: Tùy vào mức độ hẹp trẻ sẽ có khó thở chủ yếu thì hít vào, lõm hõm trên ức, tiếng rít thì hít vào.
- Hẹp 1/3 giữa và 1/3 dưới của khí quản: tùy vào mức độ hẹp trẻ sẽ có biểu hiện: khò khè, thở rít, khó thở 2 thì. Vị trí hẹp gần góc carina trẻ có thể chỉ biểu hiện khò khè, nghe phổi có rale ngáy, rất khó phân biệt với những bệnh lý tắc nghẽn đường hô hấp dưới khác như: hen, viêm tiểu phế quản, dị vật đường thở, …
- Cận lâm sàng: Xq ngực thẳng: là phương pháp chuẩn đoán hình ảnh ban đầu có thể cho thấy vị trí và đoạn khí quản bị hẹp khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đề nghị thêm chụp cắt lớp vi tính ngực cản quang có dựng hình đường dẫn khí hoặc MRI ngực.
- Chụp cắt lớp vi tính ngực cản quang có dựng hình đường dẫn khí hoặc MRI ngực: Giúp chẩn đoán xác định tình trạng hẹp, vị trí, chiều dài đoạn hẹp; khảo sát các bất thường khác đi kèm như dị dạng khác của hệ hô hấp, tim mạch. Đây cũng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiệu quả trong chẩn đoán nguyên nhân hẹp khí quản do vòng mạch hoặc u trung thất chèn ép.

Hình ảnh theo dõi hẹp khí quản qua chụp cắt lớp vi tính lồng ngực
- Nội soi phế quản bằng ống soi mềm: là một trong những thủ thuật không thể thiếu trong chẩn đoán xác định, phân độ hẹp khí quản, theo dõi diễn tiến sau điều trị can thiệp hẹp khí quản; khảo sát các bất thường khác của đường dẫn khí, dò khí thực quản, mềm sụn khí quản,…
- Siêu âm tim: Giúp chẩn đoán nguyên nhân hẹp khí quản do vòng mạch hoặc các dị tật tim mạch đi kèm.
- Nội soi thực quản – dạ dày: giúp chẩn đoán nguyên nhân hẹp khí quản có liên quan trào ngược dạ dày- thực quản, dò khí thực quản hoặc các dị dạng đường tiêu hóa kết hợp.
Điều trị hẹp khí quản : Việc lựa chọn phương pháp hẹp khí quản phụ thuộc vào: vị trí hẹp, độ nặng hẹp khí quản, nguyên nhân gây hẹp, tình trạng hô hấp hiện tại, tuổi bệnh nhi, bệnh lý đi kèm, các điều trị thất bại trước đó, trình độ chuyên môn tại cơ sở y tế. Có 2 nhóm điều trị chính: phương pháp điều trị bảo tồn và phương pháp phẫu thuật tạo hình khí quản
- Phương pháp điều trị bảo tồn:được áp dụng ở những trường hợp hẹp khí quản nhẹ ở nhóm trẻ hẹp khí quản bẩm sinh. Theo diễn tiến tự nhiên các trường hợp này sẽ tự phục hồi khí trẻ lớn dần.
- Phương pháp phẫu thuật tạo hình khí quản: được chỉ định trong 2 trường hợp: hẹp khí quản ở mức độ nhẹ - trung bình không cải thiện hoặc có diễn tiến xấu hơn với phương pháp điều trị bảo tồn; hẹp khí quản ở mức độ trung bình – nặng