Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Viêm xương hàm - Biến chứng nguy hiểm của bệnh sâu răng

Vừa qua, Khoa Răng hàm mặt – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhi N. (10 tuổi) nhập viện với tình trạng sưng nề vùng má trái gây biến dạng mặt, đau răng làm hạn chế việc ăn uống. Sau khi thăm khám bác sỹ đã xác định trẻ bị viêm xương hàm – một trong những biến chứng nguy hiểm của sâu răng do không được điều trị sớm.

 

     

Hình ảnh chụp x-quang nhận thấy rõ khối viêm vùng xương hàm của bệnh nhi N

 

Viêm xương hàm là bệnh lý xuất hiện khi có dấu hiệu bất thường ở khu vực khớp hàm hoặc các cơ khớp ở xung quanh. Bệnh sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, nhất là khi nói chuyện hay nhai nuốt thức ăn.

 

Dấu hiệu điển hình để nhận biết viêm xương hàm:

- Đau hàm, đặc biệt là mỗi khi trẻ há miệng, nhai, nói chuyện.

- Sưng, tấy ở vùng hàm.

- Khó há miệng.

- Khó nhai, nuốt.

 

Những biến chứng khi không điều trị sớm viêm xương hàm:

- Viêm xương hàm gây giãn khớp: Đây là biến chứng thường gặp và rất nguy hiểm. Nó làm tăng nguy cơ bị kẹt khớp, trật khớp.

- Viêm nhiễm lây lan ra xung quanh: Vùng miệng dưới hàm bị sưng tấy có thể lây lan tới các khu vực xung quanh như ngực hay cổ. Chính điều này làm cho miệng luôn trong trạng thái phải mở to, lưỡi bị đẩy lên cao hơn. Do vậy, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nhai nuốt, hít thở không khí cũng như nói chuyện.

- Xương hàm bị biến dạng khi viêm xương hàm lâu ngày: Vùng xương hàm bị viêm nhiễm lâu ngày làm phá vỡ cấu trúc xương, dẫn đến biến dạng xương hàm. Nếu ko phát hiện sớm, bệnh sẽ diễn biến càng nặng, khả năng điều trị dứt điểm sẽ càng thấp và có thể đe dọa tới tính mạng chính vì vậy cần có biện pháp điều trị sớm.

 

Nguyên nhân gây viêm xương hàm:

Viêm xương hàm thường xảy ra do chấn thương hoặc các vấn đề có liên quan tới xương hàm, khớp thái dương hàm. Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể xuất phát từ những nguyên nhân dưới đây:

- Biến chứng của mọc răng: Trong quá trình mọc răng, xương hàm sẽ có sự thay đổi cấu trúc và xuất hiện những lỗ trống. Điều này đã tạo ra môi trường để vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm.

- Sâu răng: Răng sâu không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới tình trạng viêm tủy, viêm mô mềm. Đây chính là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn, từ đó dẫn tới viêm xương hàm.

- Khối u: Những khối u lành tính hay ác tính có liên quan tới xương hàm đều làm tăng nguy cơ dẫn tới viêm xương hàm.

- Lão hóa làm tăng nguy cơ bị viêm xương hàm: Quá trình lão hóa tuổi tác diễn ra nhanh chóng dẫn tới xương khớp vị mài mòn, trong đó có xương hàm.

- Các bệnh lý như sởi, lao, cúm hay giang mai,…

 

Bên cạnh những nguyên nhân trên, có một số thói quen mà ta tưởng chừng như không nghiêm trọng nhưng nó lại có thể dẫn tới viêm xương hàm như: Nghiến răng, Nhai thức ăn một bên hay Căng thẳng kéo dài.

 

Phương pháp điều trị dứt điểm viêm xương hàm:

Để phòng tránh tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi mắc viêm xương hàm, trẻ nên được điều trị càng sớm càng tốt. Dưới đây là một số phương pháp điều trị viêm xương hàm mà bác sĩ thường áp dụng.

- Dùng thuốc trị viêm xương hàm:

Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp hiệu quả để điều trị viêm xương hàm. Các thành phần trong thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau và cải thiện tốt tình trạng xương hàm bị sưng. Một số loại thuốc bác sĩ có thể kê đơn bao gồm:

+ Thuốc giảm đau: paracetamol, mobic, diclofenac,…

+ Thuốc kháng viêm, chẳng hạn như corticosteroid.

+ Thuốc giúp giãn cơ trong thời gian ngắn.

+ Thuốc tiêm nhằm giảm đau do rối loạn khớp thái dương hàm.

 

Lưu ý: Những loại thuốc trên đây khi sử dụng lâu dài đều tiềm ẩn những tác dụng phụ nhất định. Vì vậy lưu ý chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ, dùng đúng liều lượng và tuyệt đối không được lạm dụng.

- Điều trị không dùng thuốc

Với tình trạng viêm xương hàm nặng, để ngăn ngừa diễn biến nguy hiểm đòi hỏi phải có phương pháp để khắc phục.

- Phẫu thuật trị viêm xương hàm: Áp dụng trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không mang lại kết quả. Đây là phương pháp giúp sửa chữa hoặc thay thế phần khớp đã bị tổn thương một cách hiệu quả.

- Điều trị nha khoa: Bác sĩ có thể chỉ định nhổ răng, trồng răng, trám răng hay điều chỉnh khớp cắn trong trường hợp cần thiết. Chỉnh nha có thể gây ra cảm giác đau đớn cho bệnh nhân nhưng lại giúp cải thiện và phục hồi hiệu quả chức năng xương hàm.

- Chọc rửa khớp: Giúp loại bỏ những mảnh gãy vụn gây nên tình trạng viêm nhiễm khớp, giảm tổn thương cho xương.

 

Phòng tránh viêm xương hàm:

Để hạn chế tối đa việc mắc các bệnh lý liên quan tới xương hàm, đặc biệt là viêm xương hàm cho trẻ, bố mẹ nên:

- Ưu tiên những loại thức ăn mềm, dễ nhai để không gây áp lực tới cơ hàm. Dạy trẻ nên hạn chế nhai một bên để tránh tình trạng xương hàm bị lệch và loại bỏ hoàn toàn những thói quen xấu có thể tác động tới xương hàm như: Nghiến lợi, nghiến răng,…

- Xoa bóp, massage vùng dưới cằm 10-15 phút mỗi ngày cho trẻ. Bên cạnh đó, nên dành cho trẻ nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế căng thẳng, áp lực, lo âu,…

- Cho trẻ vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, sử dụng kem đánh răng kết hợp với chỉ nha khoa, nước súc miệng, tăm nước…

- Tuyệt đối không tự áp dụng những phương pháp dân gian hay mua thuốc điều trị tại nhà. Điều này sẽ làm bệnh tình diễn biến nặng hơn.

Các bệnh lý như sâu răng, viêm nướu, bệnh nha chu cần phải được điều trị sớm để loại bỏ nguy cơ dẫn đến viêm xương hàm. Chính vì vậy, Khi trẻ có dấu hiệu sâu răng hoặc đau nhức vùng hàm, bố mẹ và gia đình cần phải đưa trẻ tới các cơ sở y tế có chuyên môn để được thăm khám và chữa trị kịp thời.  Bên cạnh đó, Với các bạn nhỏ phụ huynh nên đưa trẻ khám răng định kỳ 3-6 tháng/lần để kiểm soát tình trạng răng miệng của trẻ.

 

Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 119
Tổng số lượt truy cập: 6296442