Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Xét nghiệm sinh thiết là gì?

 Sinh thiết là một thủ thuật lấy đi một mẫu mô từ cơ thể để thực hiện các xét nghiệm đặc trưng và quan sát, đánh giá trên các loại kính hiển vi. Sinh thiết có thể thực hiện ở hầu hết các mô trong cơ thể.

 

  

Cụm từ sinh thiết bao hàm cả tiến trình lấy mẫu và thực hiện các xét nghiệm giải phẫu bệnh lý trên kính hiển vi và nhuộm hóa mô miễn dịch. Kết quả trả về sẽ cho biết từ hình dạng, đặc điểm chức năng của mô cần khảo sát, để từ đó cho biết loại mô đó là loại nào, có bất thường gì không, lành tính hay ác tính…

 

Bác sĩ lâm sàng khi thăm khám và điều trị bệnh đều có thể đưa ra chỉ định lấy sinh thiết mẫu mô cần được kiểm tra. Tùy theo vị trí của mô cần lấy, mà bác sĩ thực hiện sinh thiết có thể là bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ nội soi, chẩn đoán hình ảnh.

 Công dụng của chọc sinh thiết?

Kỹ thuật sinh thiết giúp bác sĩ tìm ra câu trả lời cho các bất thường như:

  • Về mặt chức năng: Đánh giá quá trình viêm của gan (sinh thiết gan), của thận (sinh thiết thận), viêm tụy (sinh thiết tụy), hoặc khảo sát chức năng tạo máu (sinh thiết tủy xương).
  • Về mặt cấu trúc: Cụ thể là đánh giá một khối u bất thường, một nang dịch,… xuất hiện ở cơ quan bất kỳ trong cơ thể. Làm sinh thiết cũng sẽ cho bác sĩ biết khối u này hình thành bởi các tế bào nào, chúng có đặc điểm bình thường hay bất thường.

Sau khi mẫu mô được phân tích kỹ lưỡng, kết quả trả về sẽ giúp làm rõ thêm các chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ. Nhờ vào khả năng phân loại mô bất thường mà các kế hoạch điều trị sẽ trở nên đặc hiệu và tùy chỉnh phù hợp với từng người bệnh.

Khi đã được chẩn đoán và điều trị, làm sinh thiết còn giúp đánh giá lại giai đoạn của bệnh, ví dụ như chẩn đoán sự tái phát của khối ung thư sau khi đã được loại bỏ bằng phẫu thuật và hóa trị. Đồng thời, kỹ thuật chọc sinh thiết còn giúp dự đoán hay tiên lượng cho bệnh nhân sau quá trình điều trị hoàn tất.

Chính nhờ khả năng đánh giá hình thể và chức năng của từng loại mô và từng loại tế bào, phần lớn các chỉ định sinh thiết được đặt ra khi các bác sĩ có nghi ngờ về bệnh lý ác tính hay bệnh có biểu hiện “mập mờ” không rõ là lành hay ác tính.

Sinh thiết được phân thành nhiều loại, mỗi loại đều sở hữu một số ưu điểm nhất định, bao gồm:

  • Sinh thiết kim: Loại sinh thiết này được bác sĩ chỉ định sử dụng để lấy mẫu mô từ khối u hay các cơ quan dưới da. Được thực hiện bằng cách dùng ống kim dài đặc biệt để đâm xuyên qua da của bệnh nhân, vào thận, gan, tuyến giáp hay bất cứ khối u bất thường nào đó xuất hiện.
  • Sinh thiết nội soi: Đây được đánh giá là loại sinh thiết được sử dụng rộng rãi nhất, bằng cách đưa trực tiếp ống nội soi đi vào từ đường miệng, mũi, ống tiểu,... để thực hiện việc quan sát các bộ phận bên trong cơ thể.
  • Sinh thiết bấm: Loại sinh thiết này được sử dụng trong việc chẩn đoán các bệnh về da. Từ một dụng cụ y khoa chuyên dụng, bác sĩ sẽ bấm một lỗ nhỏ và lấy mẫu mô ở lớp trên cùng của da.
  • Sinh thiết cắt bỏ: Từ việc lấy một mẫu mô nhỏ từ khối u để tiến hành kiểm tra và kết quả sẽ được trả về trong vài phút, bác sĩ sẽ dựa vào đó để có hướng dẫn phẫu thuật hay tiếp tục điều trị.

Dù sử dụng bất cứ loại sinh thiết nào thì công dụng chính của nó cũng là xác định nguyên nhân gây ra những dấu hiệu bất thường tới sức khỏe của bạn. Dựa vào những dấu hiệu bên ngoài mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại sinh thiết phù hợp, từ đó xác định được hướng điều trị phù hợp, đảm bảo độ chính xác cao hơn.

 

  

Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Sản Nhi đã triển khai kỹ thuât này nhằm đánh giá  bệnh để hỗ trợ trong việc chẩn đoán, điều trị cũng như tiên lượng cho bệnh nhân.

 

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 424
Tổng số lượt truy cập: 6470372