Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

RSV và những điều cần biết

RSV (Respiratory Syncytial Virus) virus hợp bào hô hấp là căn nguyên hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ và cũng là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi. Ước tính 60% trẻ nhiễm trước 1 tuổi và có đến 80% trẻ đã nhiễm RSV khi được 2 tuổi.

 

 

RSV bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè.

Nhiễm trùng RSV có thể gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng, từ triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè do virus.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng và có thể dẫn tới tử vong. RSV thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên lặp đi lặp lại. Tỉ lệ nhập viện do bệnh diễn biến nặng gặp cao nhất ở trẻ em dưới 1 tuổi.

 

1.  Đường lây truyền: RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua

- Nhiễm bẩn bởi các giọt bắn có chứa virus RSV được thải ra từ người bệnh qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng.

- Tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt bị nhiễm bẩn có chứa virus hoặc quần áo, vật dụng của người bị bệnh, bàn tay người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.

 

2.  Biểu hiện lâm sàng

Các triệu chứng nhiễm RSV có thể giống cảm lạnh trong 1-3 ngày đầu. Biểu hiện lâm sàng hay gặp sau nhiễm RSV là:

- Chảy nước mũi trong, keo dính

- Giảm cảm giác thèm ăn

- Ho

- Hắt hơi

- Sốt

- Thở khò khè

 

Biểu hiện lâm sàng nhiễm RSV rầm rộ vào khoảng ngày thứ 5 của bệnh và thường cải thiện sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, cơn ho có thể kéo dài khoảng 4 tuần do sự phục hồi chậm của các tế bào có lông mao.

Trẻ sinh non nhiễm RSV có thể bú kém, ngưng thở, khó chịu hoặc hôn mê. Tỉ lệ ngưng thở có thể lên đến 20% ở những trẻ sơ sinh nhập viện, chủ yếu là trẻ sơ sinh thiếu tháng và non tháng.

Trẻ nhỏ thường có biểu hiện chảy nước mũi liên tục, ho, hắt hơi, sốt, khó thở, thở khò khè, viêm họng hoặc suy hô hấp.

Trẻ lớn hơn và người lớn có các triệu chứng như nghẹt mũi, ho và sốt. Thở khò khè và chảy nước mũi liên tục thường gặp ở người lớn nhiễm RSV.

 

Đối tượng nhiễm RSV có nguy cơ bệnh tiến triển nặng:

- Trẻ sinh non

- Trẻ sơ sinh

- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mắc bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh

- Trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch

 

3. Biến chứng

Các biến chứng của virus hợp bào hô hấp bao gồm:

- Viêm phổi: RSV là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gây xẹp phổi.

- Viêm tai giữa: Nếu virus xâm nhập vào khoảng trống phía sau màng nhĩ, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng tai giữa. Biến chứng này thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

- Bệnh hen suyễn: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trẻ nhỏ nếu bị nhiễm virus hợp bào hô hấp nghiêm trọng sẽ có nguy cơ phát triển bệnh hen

- Một số biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm khác về đường hô hấp như suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi…

 

4. Chẩn đoán

Chẩn đoán nhiễm RSV gồm:

- Xét nghiệm test nhanh.

- Xét nghiệm PCR tỷ lệ nhạy cao hơn.

- Chụp X quang phổi trong nhiễm RSV cho hình ảnh ko đặc hiệụ

 

5. Điều trị

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với nhiễm trùng do RSV, hiện nay vẫn áp dụng các biện pháp điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và điều trị các biến chứng

- Điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ:

- Hạ sốt, giảm đau bằng các thuốc Paracetanon hoặc ibuprofen.

- Bổ sung đủ nước cho trẻ qua ăn, uống và truyền dịch, ngăn ngừa tình trạng mất nước và tránh sự keo đặc của đờm, giảm sự bít tắc đường.

- Hút mũi, nhỏ mũi bằng các thuốc làm giảm xung huyết niêm mạc và giảm tiết dịch mũi.

- Chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ

- Thở oxy nếu trẻ có suy hô hấp, trường hợp nặng hơn cần thở oxy dòng chảy cao qua ống thông mũi, CPAP, hoặc đặt nội khí quản và thở máy.

- Điều trị kháng sinh khi có bằng chứng bội nhiễm

 

6. Phòng bệnh

- Hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu.

- Ở những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng khi nhiễm RSV có thể tiêm dự phòng kháng thể đơn dòng mỗi tháng một lần vào mùa dịch giúp tăng cường miễn dịch chống lại virus RSV tốt hơn.

- Tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine được khuyến cáo theo độ tuổi đặc biệt với trẻ nhỏ và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tốt để cơ thể mạnh khỏe một cách tự nhiên, phòng ngừa bệnh tật.

- Áp dụng nguyên tắc 5K trong phòng lây các căn nguyên lây truyền theo đường hô hấp, trong đó có RSV. 

- Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, hoặc sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh. Cha mẹ, người lớn cần rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ bị ốm khác...

- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch.

- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống

- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi

- Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật mà mọi người thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa và thiết bị di động...

- Khi trẻ bị bệnh nên cách ly và chăm sóc trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho công cộng.

 

Bố mẹ và phụ huynh cần để ý những biểu hiện bất thường khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh. Nếu trẻ có các dấu hiệu nhiễm virus RSV, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để có phương pháp điều trị kịp thời.

 

Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 268
Tổng số lượt truy cập: 6069001