Tuyến giáp là một tuyến nội tiết hình cánh bướm nằm ở vùng cổ trước. Hormon giáp tham gia điều hòa chuyển hóa, kích thích tăng trưởng tế bào, giúp cơ thể sản xuất năng lượng, giữ ấm và giúp các cơ quan não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt hoạt động bình thường.
Thay đổi chức năng tuyến giáp khi mang thai
- Ở phụ nữ mang thai, nhu cầu Iod tăng hơn bình thường (200-250 mcg/ngày).
- Trong 13 tuần đầu tiên, tuyến giáp thai nhi chưa hoạt động, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng tuyến giáp của mẹ.
- Hết 3 tháng đầu, cơ thể của thai nhi sẽ tự sản xuất hormon tuyến giáp, mặc dù vậy, thai nhi vẫn phải phụ thuộc chính vào lượng Iod của mẹ. Thai nhi giai đoạn này bắt đầu hình thành và phân chia các cơ quan trong cơ thể. Chính vì vậy, các bệnh lý tuyến giáp trong thai kỳ có ảnh hưởng rất lớn đến người mẹ và thai nhi.
Bệnh cường giáp và thai kỳ
- Trong những nguyên nhân gây cường giáp trong quá trình mang thai thì Basedow là nguyên nhân thường gặp nhất (80-85%) và xảy ra ở 1/1500 phụ nữ mang thai.
- Trong một số trường hợp, beta-hCG tăng quá cao cũng gây triệu chứng cường giáp.
- Bệnh có thể xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc ở phụ nữ đã bị Basedow trước đó.
- Basedow có thể được cải thiện vào 3 tháng cuối thai kỳ và cũng có thể nặng hơn ở thời kỳ hậu sản.
- Nguy cơ đối với mẹ: tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, suy tim sung huyết, bão giáp.
- Nguy cơ đối với thai: dị tật bẩm sinh, thai chậm tăng trưởng, sinh non, rau bong non, thai lưu, cường giáp thai nhi, suy giáp trung ương sơ sinh. Vì thế điều trị cường giáp cho phụ nữ mang thai là hết sức quan trọng.