Viêm họng do liên cầu ở trẻ em
Viêm họng liên cầu khuẩn là gì?
- Là tình trạng đau rát ở vùng cổ họng do vi khuẩn gây nên. Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc viêm họng liên cầu khuẩn nhưng độ tuổi phổ biến nhất là trẻ em từ 5 đến 15 tuổi.
- Bệnh biểu hiện với tam chứng sốt, đau họng và nổi ban, chính sự sốt cao liên tục có kèm nổi ban làm các bậc phụ huynh lo lắng.
Nguyên nhân gây ra là gì?
Do vi khuẩn Streptococcus pyogenes hay còn gọi là liên cầu khuẩn nhóm A gây ra. Loại vi khuẩn này thường tồn tại trong mũi và họng nên dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khác từ những hành động như sổ mũi, ho, hắt hơi.
Triệu chứng của bệnh như thế nào?
- Trẻ thường sốt cao.
- Vùng cổ họng đau rát, sưng đỏ, vướng khi nuốt nước bọt, ăn uống.
- Thường xuyên có cảm giác buồn nôn rất khó chịu nên trẻ thường biếng ăn.
- Amidan sưng to, đỏ tấy, xuất hiện nhiều đốm trắng ở khu vực họng.
- Các tuyến bạch huyết hay còn gọi là hạch ở cổ sưng lên và đau nhiều.
- Một số trẻ có thể kèm theo đau đầu, nổi ban.
- Ở trẻ em có thể xuất hiện thêm triệu chứng đau bụng, đau dạ dày.
Viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra biến chứng gì?
Các biến chứng có thể gặp trong bệnh lý viêm họng do liên cầu khuẩn bao gồm:
- Viêm mô tế bào hoặc áp xe amidan, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng hoại tử
- Nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp xe não ...
- Các biến chứng dai dẵng của viêm họng do liên cầu khuẩn là thấp khớp cấp, viêm khớp phản ứng, sốt ban đỏ, hội chứng sốc nhiễm độc do liên cầu, viêm cầu thận cấp… nếu không được chữa trị đúng.
- Biến chứng có thể xuất hiện sau viêm họng liên cầu 1 - 2 tuần.
Kháng thể ASLO tồn tại đến khi nào?
ASLO là xét nghiệm định lượng kháng thể Anti - Streptolysin O xuất hiện trong máu người bệnh khi có nhiễm liên cầu.
Kháng thể ASLO sản xuất sau khoảng 1 tuần đến 1 tháng sau khi nhiễm liên cầu. Mức ASLO đỉnh điểm khoảng 4 - 6 tuần sau khi bị bệnh, và vẫn duy trì ở mức cao sau điều trị một vài tháng. ASLO có thể tồn tại từ 6 - 12 tháng .
Cách Phòng bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ em?
Hiện tại chưa có vắc -xin để giúp ngăn ngừa liên cầu khuẩn nhóm A, nhưng có nhiều cách để giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn:
+ Đảm bảo vệ sinh tay đúng cách: thực hiện rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng nói chung và viêm họng do liên cầu khuẩn nói riêng.
+ Thực hiện một số phương pháp tránh lây nhiễm chéo như đeo khẩu trang khi ra ngoài đường hoặc ở khu vực đông người, che miệng khi ho, hắt xì hơi,…
+ Ở nhà khi bị bệnh tránh chia sẻ đồ uống và đồ dùng với người khác, đặc biệt nếu họ bị bệnh.