Vận động thô cho trẻ tự kỷ
Tự kỷ (tiếng Anh: autism) là một hội chứng rối loạn phát triển có liên quan đến sự phát triển chức năng của não, đặc trưng bởi những khiếm khuyết về kỹ năng giao tiếp xã hội, ngôn ngữ hành vi, sở thích bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại.
Ngoài ra trẻ tự kỷ còn gặp rất nhiều khó khăn khi vận động thể chất: khả năng vận động kém hoặc bất thường/ hoạt động quá mức và không thể kiểm soát. Dưới đây là một số bài tập phát triển kỹ năng vận động thô cho trẻ tự kỷ, giúp cha mẹ can thiệp và điều trị hiệu quả hơn.
Những bài tập vận động thô
1. Trò chơi vỗ tay
Vỗ tay giúp tăng khả năng vận động hai bên cho trẻ tự kỷ thông qua sự phối hợp. Cha mẹ vừa vỗ tay vừa hát theo giai điệu đơn giản, sau đó khơi gợi sự thích thú của trẻ. Lặp lại các hành động trên từ 1-2 lần. Khi trẻ đã bắt đầu quen, dần dần giảm bớt sự trợ giúp bằng cách cầm cổ tay trẻ, rồi thấp hơn là cánh tay một cách nhẹ nhàng. Cuối cùng, bạn chạm nhẹ vào tay để biểu lộ rằng, trẻ nên bắt đầu vỗ tay.
2. Đứng trên đầu ngón chân
Giúp nâng cao khả năng thăng bằng và lực chân cho trẻ tự kỷ. Đứng đối diện và làm mẫu cho trẻ, cố gắng thu hút chú ý của trẻ .Dừng lại một chút, cha, mẹ cầm tay trẻ, đồng thời từ từ nâng người bằng ngón chân cái, nhẹ nhàng cầm cánh tay trẻ cho đến khi cả hai cùng hoàn thành động tác. Lặp lại nhiều lần cho đến khi trẻ có thể tự đứng trên ngón chân cái của mình
3. Uốn dẻo
Giúp nâng cao sự linh hoạt cho trẻ tự kỷ, cải thiện sức khỏe một cách toàn diện. Bắt đầu bằng cách đứng cạnh trẻ, cánh tay xuôi thẳng sao cho mu bàn tay đối diện với mặt đất. Sau đó, bạn giúp trẻ tạo tư thế tương tự, bắt chước và từ từ gập cong bụng cho đến khi cánh tay thẳng xuống dưới rồi chạm vào đầu gối.
4. Lăn
Lăn có thể cải thiện toàn bộ các mặt về thể chất cho trẻ tự kỷ. Lựa chọn những chỗ rộng trên bề mặt mềm như thảm hoặc cỏ, sau đó hướng dẫn trẻ nằm sao cho cánh tay xuôi hai bên và bàn tay đặt sát vào hông. Tiếp đến, lăn từ từ theo một hướng, lưu ý không được để trẻ lăn tự do. Khi trẻ bắt đầu tự lăn được, bạn hãy chỉ cho trẻ cách dừng và lăn trở lại.
5. Nảy bóng
Nảy bóng giúp trẻ tự kỷ nâng cao khả năng kiểm soát cánh tay và đôi chân, đồng thời phối hợp tay, mắt tốt hơn. Để bắt đầu, bạn cầm tay trẻ rồi nảy bóng, sau đó giảm dần cho đến khi trẻ có thể tự mình hoàn thành động tác. Cố gắng cho trẻ nảy bóng 5 lần mà không cần trợ giúp.
6. Kéo co
Mục đích: tăng lực tay và sự phát triển cơ bắp.cha mẹ hãy chọn những nơi rộng rãi như: Sân nhà, thảm cỏ mềm, vẽ một vạch thẳng rồi đặt sợi dây vắt ngang qua vạch. Sau đó, bạn và trẻ mỗi người cầm một đầu. Nếu trẻ không hiểu, hãy dùng kí hiệu để trẻ cố gắng kéo bạn qua vạch. Lưu ý, cần đảm bảo rằng, trẻ phải sử dụng hết sức lực nhưng không được làm trẻ nản chí hoặc thấy đau.
Ngoài ra, cha mẹ có thể cho con: tập chạy bộ, đi xe đạp, nhảy bật lò xo, tập chui qua cung chui,…
Khi luyện tập các kỹ năng vận động thô cho trẻ tự kỷ, cần chú ý:
- Luôn để trẻ trong tầm kiểm soát của người lớn.
- Cho trẻ tiếp xúc với nhiều dạng chuyển động, không gian, bề mặt khác nhau.
- Đảm bảo môi trường mà trẻ chơi phải tuyệt đối an toàn.
- Ngôn ngữ khi hướng dẫn trẻ cần đơn giản, dễ hiểu, chậm và rõ ràng.
- Thống nhất cách dạy trẻ với các thành viên khác trong gia đình.
- Tạo môi trường vận động cho trẻ mọi lúc, mọi nơi.
- Kiên nhẫn chờ đợi, cho trẻ thời gian để hiểu và thực hiện được trong mọi tình huống.
- Khen ngợi, khích lệ và động viên trẻ mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ.
(Khoa TK-PHCN, BVSNNA)