Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Vai trò kỹ thuật chụp đại tràng có thuốc cản quang trong việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh phình đại tràng

1. Bệnh phình đại tràng bẩm sinh là gì?

Bệnh phình đại tràng bẩm sinh (PĐTBS) còn có tên gọi khác như là bệnh Hirschsprung, bệnh vô hạch đại tràng bẩm sinh, bệnh Megacolon. Theo thống kê bệnh viện Nhi Trung Ương cho thấy bệnh Hirschsprung chiếm 10,5% trong tổng số các bệnh cần can thiệp ngoại khoa. Trẻ trai mắc bệnh nhiều hơn trẻ gái với tỉ lệ nam/nữ từ 4/1 đến 9/1.

Nguyên nhân: Tình trạng vắng bẩm sinh các tế bào hạch thần kinh của các đám rối cơ ruột làm mất dẫn truyền nhu động ở đoạn ruột bệnh lý, gây tình trạng khó khăn cho trẻ khi đi đại tiện. Mặc dù chưa tìm ra nguyên nhân gây vô hạch, tuy nhiên nhận thấy rằng bệnh có thể có liên quan đến yếu tố gia đình, trẻ mắc hội chứng Down và các tình trạng bệnh tim bẩm sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh PĐTBS cao hơn.

 Vị trí: Thường gặp nhất ở trực tràng và đại tràng Sigma (75-80%). Ngoài ra có thể gặp ở bất kì vị trí nào trong khung đại tràng và đôi khi là phần cuối cùng của ruột non. Hiếm khi, các tế bào thần kinh bị thiếu trong toàn bộ ruột già và ruột non. Khi tình trạng vô hạch ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng, hoặc thậm chí một phần ruột non, nó được gọi là vô hạch đường tiêu hóa cao. Khi chỉ ảnh hưởng đến chiều dài ngắn hơn của đại tràng gần trực tràng, nó được gọi là tình trạng vô hạch thấp.


 2. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh phình đại tràng bẩm sinh là gì?

Các triệu chứng của phình đại tràng bẩm sinh có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trẻ mắc các trường hợp nặng thường sẽ có các triệu chứng trong vài ngày đầu sau sinh.
Trẻ sơ sinh bị có thể:

        - Không thể đi tiêu trong ngày đầu tiên hoặc ngày thứ hai sau khi sinh, triệu chứng này còn được gọi là tình trạng chậm phân su

        - Bụng chướng, đầy hơi

        - Tiêu chảy

        - Nôn (có thể nôn ra dịch màu xanh lá cây hoặc màu nâu)

Một trẻ sơ sinh không đại tiện phân su trong vòng 48 giờ đầu sau khi sinh thường là cách các bác sĩ phát hiện ra bệnh  PĐTBS. Đây là một chỉ điểm rất có giá trị trong việc chẩn đoán tình trạng bệnh.
Các trường hợp ít nghiêm trọng hơn có thể không được phát hiện cho đến khi trẻ lớn hơn một chút, hoặc đôi khi thậm chí muộn hơn. Các triệu chứng trong những trường hợp này thường nhẹ hơn nhưng kéo dài.

        - Bụng chướng to

        - Táo bón kéo dài, có thể xen kẽ bằng những đợt tiêu chảy

        - Chậm tăng cân

        -  Dễ mắc các bệnh lý viêm phổi, viêm mũi họng…

Trẻ lớn hơn mắc bệnh PĐTBS thường đến bệnh viện trong tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng, chậm phát triển vì bệnh lý PĐTBS ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Ngoài ra còn có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm ruột tái đi tái lại nhiều lần gây tắc ruột thậm chí gây thủng ruột.

 

 

(Phình đại tràng bẩm sinh (megacolon) ở trẻ lớn)

 3. Bệnh phình đại tràng bẩm sinh được chẩn đoán như thế nào?

 Để chẩn đoán bệnh phình đại tràng bẩm sinh, các bác sĩ thường cho trẻ chụp Xquang đại tràng. Thuốc cản quang loại an toàn được sử dụng được đưa vào đại tràng thông qua ống thông hậu môn. Phim chụp xquang có thể cho các bác sĩ hình ảnh của toàn bộ đại tràng và một phần ruột non. Đoạn ruột nơi thiếu các tế bào thần kinh thường rất hẹp, đoạn ruột phía trên giãn to, là một hình dạng điển hình của bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh.
Bác sĩ có thể làm sinh thiết hút trực tràng. Một thiết bị có chức năng hút được đưa vào trực tràng nhằm mục đích lấy một phần niêm mạc trực tràng và gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh. Các bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ soi dưới kính hiển vi và ghi nhân xem có tế bào hạch thần kinh hay không.
  Đối với trẻ lớn hơn, bác sĩ có thể sử dụng các phương tiện chẩn đoán khác, chẳng hạn như đo áp lực trực tràng hoặc sinh thiết phẫu thuật . Đo áp lực là một bài kiểm tra trong đó một quả bóng được bơm căng bên trong trực tràng để xem liệu cơ hậu môn có giãn ra hay không. Nếu cơ không giãn ra, trẻ có thể mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh. Trong phẫu thuật sinh thiết, bác sĩ lấy một mẫu mô từ đoạn ruột  nghi ngờ để kiểm tra dưới kính hiển vi.

   

 (Hình ảnh Xquang phình đại tràng bẩm sinh)

4. Bệnh phình đại tràng bẩm sinh được điều trị như thế nào?

  Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh PĐTBS. Bệnh có thể được chữa khỏi và trẻ trở về với cuộc sống bình thường. Trong phẫu thuật, bác sĩ sẽ xác định đoạn ruột không có tế bào hạch thần kinh, cắt bỏ đoạn này và nối lại phần còn lại vào trực tràng, có thể ngay từ khi trẻ một vài tháng tuổi.
Đối với những trẻ lớn, tình trạng bệnh nặng tại thời điểm phẫu thuật (do đại tràng viêm ứ đọng phân lâu ngày, hoặc do dinh dưỡng kém) có thể phải tiến hành phẫu thuật theo hai bước. Trong lần phẫu thuật đầu tiên, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần không lành mạnh của đại tràng. Sau đó, bác sĩ sẽ phải đưa đầu ruột phía trên ra thành bụng làm hậu môn nhân tạo (hay hậu môn tạm). Việc này sẽ giúp cho đoạn ruột bị viêm có cơ hội được điều trị, tạo thuận lợi cho miệng nối phía dưới hậu môn sau này. Việc chăm sóc hậu môn nhân tạo trong thời gian đầu có thể có đôi chút khó khăn, nhưng sẽ trở nên dễ dàng sau khi được các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Ngoại TH Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hướng dẫn. Trong lần phẫu thuật thứ hai, bác sĩ đóng lại hậu môn nhân tạo và nối đoạn đại tràng không mắc bệnh vào trực tràng.

5. Theo dõi và điều trị sau mổ như thế nào?

  Đa số các trẻ có thể đại tiện và ăn qua đường miệng sớm sau mổ. Trẻ cũng cần được nong hậu môn theo một kế hoạch được định sẵn để tránh nguy cơ hẹp hậu môn trong tương lai khi trẻ lớn lên.
Trong thời gian đầu sau khi phẫu thuật , trẻ có thể bị táo bón hoặc viêm ruột do đoạn đại tràng đang trong thời gian làm quen với vị trí mới. Trẻ cần được khám lại định kì để các bác sĩ đánh giá và điều trị.
  Đối với trẻ em đủ tuổi để ăn thức ăn đặc, chế độ ăn giàu chất xơ có thể làm dịu và ngăn ngừa táo bón. Uống nhiều nước cũng rất quan trọng và giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước . Đại tràng có chức năng hấp thụ nước từ thức ăn, vì vậy cần phải để ý đến  tình trạng mất nước đối với những trẻ bị cắt bỏ một phần đại tràng.
Trẻ em vẫn có các triệu chứng hoặc mắc các triệu chứng mới sau khi phẫu thuật (chẳng hạn như tiêu chảy, sốt, bụng chướng hoặc đại tiện ra máu, chảy máu từ hậu môn) cần đến bệnh viện khám ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm ruột sau mổ hoặc các vấn đề nặng khác.

  Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, mỗi ngày tiếp nhận rất nhiều trẻ đến khám vì tình trạng chậm đi cầu phân su, táo bón kéo dài, chậm tăng trưởng, bụng chướng và các rối loạn tiêu hóa khác. Trong đó tùy thuộc vào quá trình thăm khám và hỏi bệnh sử kĩ lưỡng, một số trẻ đã được chỉ định chụp Xquang khung đại tràng cản quang và không ít trẻ đã được phát hiện mắc bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh. Việc phát hiện sớm bệnh lý giúp trẻ được điều trị kịp thời và sớm trở về với cuộc sống bình thường.

  Chụp Xquang khung đại tràng cản quang là một kĩ thuật tuy đơn giản, ít tốn kém, dễ thực hiện nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ em và một số bệnh lý khác của đường tiêu hóa. Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao cùng với trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An là cơ sở đáng tin cậy gửi gắm niềm tin cho các bà mẹ và trẻ em để có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.

                                                                                                                        (Khoa CĐHA - BVSNNA)

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 163
Tổng số lượt truy cập: 6224161