Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Những điều cần biết về nhọt

Nhọt là tình trạng rất phổ biến ở trẻ, phụ huynh thường có đôi lúc chủ quan về những triệu chứng ban đầu của nó hay thậm chí còn tự ý xử lí những vết thương gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các bé. Đến thời điểm hiện tại khoa Hồi sức Ngoại bệnh viện sản nhi Nghệ An đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp từ mụn nhọt ngoài da cho đến biến chứng nặng nề hơn là nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, viêm cơ tim. Vậy nên chúng ta hãy cùng dành thời gian quan tâm hơn về vấn đề này ở các bé nhé!

 

 

1.Tổng quan về bệnh nhọt:

- Nhọt (Furuncle) là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và viêm tổ chức xung quanh. Bệnh thường xuất hiện vào mùa hè nam giới mắc nhiều hơn nữ, đặc biệt ở trẻ em. Khi cơ thể yếu sức đề kháng kém kèm đổ nhiều mồ hôi khi hoạt động nhiều, da xước do gãi thì liên cầu, tụ cầu có cơ hội xâm nhập cơ thể gây hoại tử lỗ chân lông gây mụn, nhọt

- Nguyên nhân thường gây bệnh là tụ cầu vàng (Staphylococcus Aureus). Bình thường vi khuẩn này sống kí sinh trên da, nhất là các nang lông có các nếp gấp hoặc các hốc tự nhiên trên cơ thể. Khi nang lông bị tổn thương lại có hệ miễn dịch kém suy dinh dưỡng, mắc tiểu đường… vi khuẩn lại càng có thêm cơ hội phát triển

- Biểu hiện ban đầu là những nốt đỏ nổi trên da rồi lan rộng. Chỗ mọc nhọt da nóng, đỏ và đau. Vài ngày sau nốt đỏ có đốm vàng, khi đốm vỡ mủ chảy ra ở giữa có ngòi. Đôi khi có hiện tượng viêm mạch bạch huyết và nổi hạch xung quanh khu vực nhọt

2. Nhọt có thể gây nên nhiễm khuẩn huyết  

- Ban đầu nhọt sẩn nhỏ, sưng nề, tấy đỏ ở nang lông. Khoảng  hai đến ba ngày tổn thương lan rộng hoá mủ tạo thành ổ áp xe, ở giữa hình thành ngòi mủ. Đau nhức là triệu chứng cơ năng thường gặp nhất là khi nó cư trú ở mũi, vành tai kèm theo các triệu chứng sốt, mệt mỏi trẻ thường bỏ bú quấy khóc nhiều.

- Biến chứng nhiễm khuẩn huyết có thể gặp, nhất là ở những trẻ suy dinh dưỡng, đề kháng kém. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng.

- Mụn nhọt là tình trạng viêm cấp tính gây ra bởi vi khuẩn. Tuy là bệnh lành tính nhưng các bậc cha mẹ cần thận trọng trong chăm sóc và điều trị để hạn chế những tai biến xảy ra không mong muốn. Nguyên tắc điều trị chung là vệ sinh cá nhân, điều trị chống nhiễm khuẩn toàn thân và tại chỗ, nâng cao thể trạng.

- Các phương pháp giúp giảm đau bao gồm đắp gạc ấm và sử dụng thuốc giảm đau. Sử dụng gạc y tế với nước sạch được làm ấm đắp lên vùng sưng tấy khoảng 10 phút. Lặp lại động tác này vài lần trong ngày sẽ có hiệu quả. Chườm ấm không chỉ giúp giảm đau mà còn làm lành vùng nhọt nhanh chóng

3. KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐẾN CƠ SỞ Y TẾ NGAY?

Lưu ý trẻ nên được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế khi cơn đau không thuyên giảm với thuốc giảm đau, hay có những triệu chứng nặng hơn báo hiệu sớm nhiễm khuẩn huyết: trẻ quấy khóc, bỏ bú, sốt cao liên tục, da nổi vân tím... Hoặc những nhọt lớn vỡ mủ không tự xử lí ở nhà được rất dễ bị nhiễm trùng nếu không đảm bảo đủ điều kiện vô khuẩn.

Ở khoa hồi sức Ngoại bệnh viện sản nhi Nghệ An, đã ghi nhận một số trường hợp rất đáng tiếc vì sự kém hiểu biết của phụ huynh như đắp thuốc lá, tự dùng kim chích rạch nhọt cho bé  dẫn đến hậu quả bé phải nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết thậm chí một số trẻ đến muộn còn có thể sốc nhiễm khuẩn dẫn đến tử vong

 

Hình ảnh tràn dịch màng ngoài tim của trẻ vết thương cẳng chân sau ngã suối

 

4. Phòng bệnh :

- Nên duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không nên cho trẻ để móng tay dài, nên rửa tay hàng ngày bằng xà phòng chống khuẩn. Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng da, tránh dùng chung vật dụng để ngăn ngừa lây nhiễm nhọt da và các bệnh lý khác

- Chăm sóc tốt các vết thương ở da hay vết côn trùng cắn, kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính ở da và các bệnh khác gây suy giảm miễn dịch

- Nâng cao thể trạng bằng cách cho trẻ ăn uống đủ chất với trẻ nhỏ ưu tiên sữa mẹ để tăng cường thêm sức đề kháng.


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 365
Tổng số lượt truy cập: 6074471