Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Nhận biết bệnh Kawasaki – Bệnh tim mắc phải thường gặp nhất ở trẻ em

Nếu như trước đây nói đến bệnh tim mắc phải ở trẻ em, người ta sẽ nghĩ ngay đến bệnh Thấp tim. Nhưng ngày nay Thấp tim rất hiếm gặp, thay vào đó là bệnh Kawasaki với  nguy cơ dẫn đến những biến chứng Tim mạch âm thầm, lâu dài, thậm chí nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An mỗi năm tiếp nhận hơn 30 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Kawasaki. Tuy nhiên, khái niệm về bệnh này còn khá mới mẻ với nhiều người, bài viết dưới đây các bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về dấu hiệu, triệu chứng về bệnh lý Kawasaki.

Kawasaki là bệnh lý viêm không đặc hiệu các mạch máu có kích thước từ nhỏ đến trung bình. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và gây di chứng trên mạch vành rất nặng nề, có thể gây tử vong.

Kawasaki được phát hiện lần đầu vào năm 1961 tại Nhật Bản. Trước đây, căn bệnh này được xem là căn bệnh lạ, rất hiếm gặp. Nhưng hiện tại, ở Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh rơi vào khoảng 50 – 100 trẻ/100.000 người. Tại Nhật Bản bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân, nhưng ở Việt Nam bệnh lại xuất hiện rải rác quanh năm, cao điểm nhất là vào khoảng tháng 9 – 10, không theo đợt.

Bệnh Kawasaki thường gây ra các triệu chứng sau:

  • Sốt cao 39-40 độ, kéo dài trên 5 ngày.
  • Kết mạc mắt sung huyết, đỏ
  • Môi đỏ, lưỡi đỏ như trái dâu tây
  • Bàn tay và bàn chân xuất hiện ban đỏ
  • Bong tróc da ở đầu ngón tay,ngón chân giai đoạn muộn
  • Phát ban trên cơ thể
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ
  • Hồng ban hoặc loét tại sẹo lao
  • Đỏ, bong da quanh bìu- hậu môn

 

Các dấu hiệu thường gặp của bệnh Kawasaki.

 

 

Hình ảnh ban đỏ xung quanh sẹo lao

Bệnh Kawasaki có nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Biến chứng hay gặp của bệnh Kawasaki là viêm tim, phình giãn động mạch vành gây huyết khối, nhồi máu cơ tim và biến chứng suy động mạch vành mạn tính về sau. Ở hầu hết trẻ mắc bệnh, tổn thương mạch vành thường nhỏ và không kéo dài. Tuy nhiên, một số hợp tổn thương có thể tồn tại đến khi trẻ trưởng thành.

Khi được chẩn đoán bệnh này, trẻ sẽ được sử dụng các thuốc để ngăn ngừa những tổn thương tại động mạch vành. Biện pháp quan trọng nhất để ngừa biến chứng giãn mạch vành là truyền tĩnh mạch Gamma Globulin (IVIG). Thuốc này có hiệu quả khoảng 80% với điều kiện truyền  ngày thứ 7- 10 của bệnh. Một số trẻ kháng thuốc sẽ cần phải điều trị lần hai với IVIG hay những loại thuốc khác. Trong thời điểm hiện tại, thuốc IVIG đang khan hiếm trên toàn quốc là một thách thức lớn đối với các bác sĩ khi điều trị bệnh này. Sau điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi ít nhất 1 năm.

Các triệu chứng của Kawasaki đôi khi không đầy đủ và không xuất hiện cùng lúc, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác như nhiễm siêu vi, nhiễm trùng huyết hoặc dị ứng thuốc nhưng không đáp ứng điều trị kháng sinh, chống viêm… Một số trường hợp bệnh tự thoái lui (cắt sốt, mất các triệu chứng bên ngoài) nhưng vẫn âm thầm biến chứng Tim mạch nên dễ bị bỏ qua. Do vậy, khi trẻ có triệu chứng sốt kèm theo các dấu hiệu nghi ngờ bệnh Kawasaki, phụ huynh nên cho trẻ đến khám và điều trị kịp thời, tránh bỏ sót hoặc chẩn đoán muộn gây biến chứng nặng nề về sau.

- Khoa Tim mạch


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 489
Tổng số lượt truy cập: 6344463