Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhi nuốt nhầm 23 chiếc đinh ghim

Nuốt nhầm dị vật ở trẻ em là một bệnh cảnh cấp cứu gặp khá thường xuyên tại khoa cấp cứu, thường gặp ở trẻ từ 2-5 tuổi. Đa phần các trường hợp đều được tiếp cận và cấp cứu kịp thời, tiên lượng điều trị tốt.

 

Gần đây nhất, ngày 5/2, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi T.M.K (2 tuổi, địa chỉ ở Thái Hòa - Nghệ An). Theo lời kể của gia đình, vào chiều cùng ngày nhập viện, người nhà phát hiện trẻ nuốt nhầm đinh ghim, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện. Hình ảnh chụp Xquang cho thấy có hình ảnh cản quang của nhiều đinh ghim tại dạ dày. Trẻ được chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vào lúc 21h cùng ngày.

 

Ghi nhận tại khoa Cấp cứu, trẻ quấy khóc nhiều, ôm bụng, thăm khám có điểm đau khu trú. Rất nhanh chóng, trẻ được thực hiện các cận lâm sàng kết hợp hội chẩn chuyên khoa ngoại chẩn đoán: Dị vật đường tiêu hóa. Tiến hành nội soi gây mê gắp ra 23 đinh ghim. Hiện tại sau điều trị, tình trạng trẻ ổn định và tiếp tục điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp.

 

Hình ảnh dị vật là 23 chiếc đinh ghim được nội soi và gắp ra khỏi đường tiêu hóa của bệnh nhi 2 tuổi

 

Theo TS.BS Trần Văn Cương: Hội chứng Pica là tình trạng lặp đi lặp lại hoạt động ăn các đồ vật không phải là thực phẩm, thường gặp nhất ở trẻ mắc chứng tự kỷ. Trẻ có thể ăn thức ăn từ thùng rác hoặc cắn một miếng trên chiếc xe đồ chơi bằng nhựa và nuốt nhanh chóng. Những trẻ khác ngậm đồ vật trong miệng, di chuyển chúng và thỉnh thoảng nuốt vật đó. Nếu dị vật đi vào đường thở gây khó thở đột ngột rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng, một khi đi vào ruột thì có nguy cơ gây tắc ruột, hoại tử ruột muộn hoặc thủng ruột.

 

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, bố mẹ cần để những vật dụng sắc nhọn xa tầm tay của trẻ; không nên cho trẻ chơi những đồ chơi có thể gây nguy hiểm. Đối với trẻ lớn hãy hướng dẫn trẻ những nguy hiểm của vật sắc nhọn và hướng dẫn trẻ cách sử dụng vật dụng, đồ chơi an toàn.

 

TS.BS. Trần Văn Cương cũng khuyến cáo, khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở đột ngột, đau bụng, quấy khóc chưa rõ nguyên nhân, bụng chướng, buồn nôn, nôn… các gia đình nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để có phương án xử lý tốt nhất và an toàn nhất cho bệnh nhân, kịp thời tránh được các biến chứng nặng nề xảy ra.

 

Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 483
Tổng số lượt truy cập: 6344439