Cách nhận biết, phòng ngừa và sơ cứu khi bị rắn cắn
Hàng năm cứ vào mùa mưa, nhất là thời điểm giao mùa số lượng bệnh nhân nhập viện do bị rắn độc cắn lại gia tăng. Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nhiều gia đình ở Nghệ An liên tục phát hiện rắn độc bò vào nhà. Các trường hợp được phát hiện đều là loài rắn cạp nia – một loại rắn cực độc. Nhận thấy sự nguy hiềm và cấp thiết này, chúng tôi xin được hướng dẫn cách phòng và sơ cứu rắn cắn:
(Hình ảnh minh họa khi bị rắn cắn)
Trừ một số loài rắn có nọc độc gọi là rắn độc, còn lại đa số rắn thường không nguy hiểm gọi là rắn lành. Điều cần thiết là phải nhận dạng loại rắn đó là rắn gì để kịp thời thông báo cho nhân viên y tế để điều trị bằng kháng huyết thanh phù hợp.
Rắn độc có 2 họ:
Họ rắn hổ: rắn hổ đất, hổ chúa, hổ mèo, cạp nong, cạp nia
Họ rắn lục: rắn lục xanh, chàm quạp
Dấu hiệu nhận biết
Quan sát nhanh vết cắn giúp ích cho việc xác định có phải bị rắn độc cắn hay không bằng các dấu hiệu:
Sưng nhiều, đau nhức nhiều ở chỗ bị cắn
Vết cắn có 2 dấu răng nọc
- Rắn họ lục:
+ Dấu hiệu tại chỗ: sưng, bầm, hoại tử và da phồng rộp chứa đầy dịch
+ Rối loạn đông máu: xuất huyết da, niêm mạc
- Rắn họ hổ:
+ Dấu hiệu tại chỗ ít
+ Dấu hiệu toàn thân: chóng mặt, buồn nôn, khó thở, yếu liệt chi
( Nhận biết rắn độc hay rắn không độc qua dấu răng)
Những điều nên làm
Trấn an nạn nhân để tránh nọc độc lan nhanh
Ngăn không cho nọc độc lan khắp cơ thể
Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế
Những việc nên tránh
Không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi
Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do hiện nay không thấy hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc
Không đắp lá cây không rõ loại lên vết thương vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng nặng thêm vết cắn.
Cách sơ cứu
Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần theo dõi sát như là một trường hợp rắn độc cắn, ít nhất là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.
Cách sơ cứu:
- Cho nạn nhân nằm yên, trấn an tinh thần cho nạn nhân
- Bất động và đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc
- Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước
- Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng
- Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.
Phòng ngừa
- Mang giày cao ống và mặc quần dài phủ ra ngoài giày là cách tốt nhất khi đi trên cỏ rậm hoặc vùng có nhiều rắn
- Tìm hiểu các loại rắn độc, nhận dạng qua hình dạng và nơi sinh sống
- Cắt tỉa cây cối, phát quang bụi rậm xung quanh nhà
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, đóng bịt kín các lỗ nhỏ có nguy cơ rắn có thể chui vào nhà
- Thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không
- Loại bỏ các nguồn thức ăn của rắn: Chuột, dế và các loại côn trùng là thức ăn quen thuộc của loài rắn. Những nơi có chuột và các côn trùng nhiều sẽ là nơi lý tưởng để rắn tìm đến. Do đó để ngăn loài rắn bạn cần phải xua đuổi chuột ra khỏi nhà của mình. Và để ngăn loài chuột bàn cần dọn dẹp vệ sinh nhà thường xuyên, tránh để thức ăn thừa ở bên ngoài và cần bảo quản thức ăn thừa đúng cách.
- Trồng cây đuổi rắn: Có thể kể đến một vài loại cây như cây nén, cây sả, hoa lan tỏi… đó là những loại cây sẽ khiến rắn "né" nhà bạn từ xa. Đặc biệt, rắn lục đuôi đỏ cực nhạy cảm với mùi nên tác dụng của việc trồng cây sẽ càng hiệu quả hơn.
- Tự làm dung dịch xua đuổi rắn: Trộn một phần muối hạt cùng với một phần tỏi nghiền tỷ với tỉ lệ 1:1. Sau đó rắc xung quanh lối vào nhà, sân vườn hoặc bất cứ nơi đâu bạn không muốn rắn xuất hiện. Hỗn hợp này sẽ giúp ngăn chặn loại rắn tiếp xúc căn nhà bạn một cách hiệu quả đấy
Khoa Thần kinh - Phục hồi chức năng