Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Chăm sóc trẻ sơ sịnh thiếu tháng

Trẻ sinh non càng được sinh ra sớm, sẽ càng nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe. Việc chăm sóc cho trẻ sinh non cũng cần phải cẩn trọng và chú ý hơn. Đặc biệt nếu đó là lần đầu tiên bạn bắt đầu vai trò làm mẹ. Những cái nắm tay, xoa đầu và trò chuyện… sẽ giúp trẻ cảm nhận về sự hiện diện của bạn. Chính những giây phút bạn ở bên cạnh trẻ sẽ giúp bạn theo dõi sát những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ khi nào với trẻ.

 

 

1. Giữ ấm và theo dõi thân nhiệt của trẻ

 

1.1 Vấn đề ổn định thân nhiệt

 

Trẻ sơ sinh, đặc biệt là nếu sinh non, rất dễ hạ thân nhiệt nếu như không theo dõi trẻ sát. Khi con bạn ra đời sớm hơn những trẻ khác, trung tâm điều nhiệt ở não trẻ chưa được phát triển một cách hoàn thiện. Ngoài ra, lớp mỡ được dự trữ dưới da của trẻ cũng rất ít. Vậy nên khả năng tạo ra năng lượng để duy trì thân nhiệt cho trẻ cũng bị hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu về sử dụng năng lượng ở trẻ sinh non lại cao hơn rất nhiều lần. Kết quả là trẻ gặp khó khăn hơn trong việc giữ nhiệt độ cơ thể bình thường ở môi trường mát mẻ hoặc lạnh.

 

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ hạ thân nhiệt là trẻ bú kém, mất nước do ói hay tiêu lỏng nhiều, nhẹ cân hay đang có những bệnh lí nặng khác kèm theo. Triệu chứng điển hình của hạ thân nhiệt ở trẻ là tay chân lạnh kèm run, thở nhanh hay tím, nặng hơn có thể ngưng thở hay ngưng tim. Về lâu dài, nếu mức độ hạ thân nhiệt nặng có thể để lại những di chứng ảnh hướng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.

 

Bên cạnh vấn đề hạ thân nhiệt, nếu bạn ủ ấm trẻ quá mức cũng có thể khiến trẻ khó chịu. Trước hết là hạn chế về không gian cử động tay chân của trẻ. Nếu quá nhiều lớp chăn và quần áo, trẻ có thể thấy nóng và quấy khóc liên tục. Hoặc đôi khi, nhiệt độ cơ thể tăng có thể gây lầm lẫn với triệu chứng sốt ở trẻ.

 

1.2 Cách phòng tránh hạ thân nhiệt

 

Phòng của trẻ cần được thiết kế thoáng mát và rộng rãi, đủ ánh sáng, ấm áp. Giữ nhiệt độ trong phòng ở mức từ 28 đến 32 độ C.

 

Lựa chọn quần áo phù hợp với thời tiết. Quan trọng là trẻ cần được đảm bảo đủ ấm và thoải mái. Bạn có thể cho trẻ mặc thêm vớ, đội mũ và nằm chung với mẹ.

 

Đo nhiệt độ cơ thể trẻ hay nếu thấy tay chân trẻ lạnh thì bạn nên mặc thêm quần áo, đắp thêm chăn hoặc ôm trẻ vào lòng mẹ. Nếu sắp có sự thay đổi đột ngột thời tiết như bạn cần đưa trẻ ra khỏi nhà, bạn cần chuẩn bị thêm quần áo thích hợp.

 

2. Dinh dưỡng cho trẻ

 

Nếu trẻ sinh non hoặc gặp vấn đề về sức khỏe, trẻ có thể không thể ăn sữa mẹ ngay bằng mọi hình thức, kể cả bú mẹ hay bú bình. Nhưng bạn nên cố gắng vắt sữa của mình sau sinh. Nếu có khó khăn trong vắt sữa sau sinh hay sinh khó thì bạn có thể nhờ nhân viên y tế hỗ trợ. Có thể trong lần vắt sữa đầu tiên bạn chỉ vắt được vài giọt, nhưng đó là sữa đầu hay còn gọi là sữa non, chúng mang chất dinh dưỡng và nhiều kháng thể giúp bảo vệ trẻ. Đặc biệt, sữa mẹ còn giúp phát triển trí não bé. Ban đầu, bé có thể phải hấp thu dinh dưỡng qua dịch nuôi dưỡng truyền qua đường tĩnh mạch. Dịch nuôi dưỡng chứa đường, các acid amin ( từ các protein), muối khoáng và chất béo.

 

 

Trẻ có thể ăn sữa mẹ qua ống sonde ( sonde dạ dày đặt từ miệng tới dạ dày). Bạn vẫn có thể da kề da với trẻ khi trẻ ăn sonde sẽ có nhân viên y tế hỗ trợ để bạn thực hiện, điều này sẽ xây dựng mối quan hệ giúp trẻ sẵn sàng cho bước tiếp theo.

 

Bác sĩ có thể khuyến cáo bổ sung thêm dinh dưỡng vào sữa mẹ cho trẻ để trẻ có thể hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, trẻ cũng có thể sử dụng sữa công thức đặc biệt cho trẻ sinh non nên mẹ cũng không cần quá lo lắng.

 

2. Giữ vệ sinh cho trẻ

 

2.1 Rửa tay khi chăm sóc trẻ

 

Trẻ sinh non là một trong những đối tượng dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng. Bởi vì hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn chưa được phát triển đầy đủ. Rửa tay là biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc phòng tránh nhiễm trùng sơ sinh. Rửa tay nên được thực hiện vào hai thời điểm là trước và sau khi chăm sóc trẻ.

 

2.2 Tắm cho trẻ

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên bạn nên cho trẻ tắm lần đầu tiên vào thời điểm 24 giờ sau khi sinh. Hoặc đợi ít nhất 6 giờ sau sinh.Trước khi tắm cho trẻ, cần chuẩn bị đầy đủ quần áo và những vật dụng cần thiết. Tắm cho trẻ trong điều kiện kín gió và an toàn. Sau khi lau khô và mặc quần áo, nên nhỏ mắt, mũi, lau tai cho trẻ.

 

2.3 Chăm sóc rốn

 

Rốn của trẻ thường rụng sau 7 đến 14 ngày tuổi. Khi rốn rụng đi, nếu chỉ chảy ít máu hoặc ẩm ướt là bình thường. Chăm sóc rốn hằng ngày với nước muối sinh lý hoặc dùng cồn 70 độ. Lưu ý là cần để rốn được thông thoáng và sạch sẽ bằng cách quấn tã dưới rốn. Chính điều này sẽ làm rốn mau khô và dễ rụng hơn. Sử dụng tăm bông nhúng vào cồn để làm sạch rốn và vùng xung quanh rốn ba lần mỗi ngày hoặc khi bị dính nước tiểu hoặc phân.

 

Nếu con bạn được sinh ra sớm, bạn có thể chào đón với cảm xúc pha lẫn của niềm vui và lo lắng. Bạn có thể phải dành một lượng thời gian rất nhiều để chăm sóc trẻ trongbệnh viện và sau khi ra viện ở nhà. Chăm sóc trẻ sinh non là một chuyện không hề đơn giản. Vậy nên, hãy tìm sự giúp đỡ từ chúng tôi khi bạn cần nhé.

 

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 476
Tổng số lượt truy cập: 6344391