Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Nhầm lẫn tai haị, bố mẹ dùng rượu trắng để pha sữa cho con

Ngày 30/3/2022, khoa Sơ sinh BVSN Nghệ AN tiếp nhận một trẻ sơ sinh, 6 giờ tuổi ( Vinh, Nghệ An) vào khoa trong tình trạng phản xạ bú kém , hơi chậm sau khi uống sữa công thức pha nhầm với rượu .

Bé trai, đủ tháng, được sinh mổ do mẹ có tiền sử sinh mổ cách lần sinh này 2 năm, cân nặng lúc sinh là 3000 gr. Sau đẻ trẻ khóc to, hồng hào, phản xạ bú khá tốt, đã được da kề da và bú mẹ sớm theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Trẻ đang nằm cùng mẹ tại khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Theo lời kể của gia đình, sau đẻ 6giờ, trẻ bú mẹ, nhưng do mẹ chưa xuống sữa nhiều nên gia đình đã tự ý pha sữa công thức thêm cho trẻ. Bố của trẻ đã dùng chai nước khoáng của gia đình bên cạnh, đã ra viện để lại mà không kiểm tra trước, để pha sữa cho trẻ. Trẻ  uống được khoảng 5-8 ml thì không bú thêm.

 

 

 

Theo tập quán dân gian , vì không đổ sữa nên bà uống và phát hiện ra sữa có lẫn mùi rượu. Khi kiểm tra lại thì chai nước chứa toàn rượu . Sau khi phát hiện ra, gia đình đã báo ngay cho nhân viên y tế, và được hướng dẫn nhập khoa Sơ sinh.

Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số men gan tăng cao > 200 UI. Do phát hiện sớm, lượng sữa trẻ uống vào cũng chưa nhiều.  Nên ngay khi nhập khoa Sơ sinh, các bác sĩ đã đặt sonde dạ dày để hút hết lượng sữa ra và truyền dịch hỗ trợ cho trẻ, đồng thời theo dõi sát các dấu hiệu bất thường khác. Hiện tại, sau 6 ngàytheo dõi và điều trị, trẻ đã ổn đinh và được xuất viện.

Ngộ độc rượu nguy hiểm như thế nào?

Việc để chung nước pha sữa với các loại nước khác (rượu, dầu,..) trong các chai đựng nước khá phổ biến. Mẹ và người chăm sóc bé có thể đổ nhầm rượu, dầu,.. làm nước pha sữa. Hậu quả là các bé phải nhập viện trong tình trạng lơ mơ, ngủ gà hoặc khóc thét, người nổi đỏ, bú kém… nhiều trường hợp nặng hơn trẻ sẽ có biểu hiện co giật, khó thở, tím tái…, thậm chí là tử vong. Đặc biệt, trẻ sơ sinh thể trạng còn non yếu nên khi uống nhầm rượu dù lượng nhỏ sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp do gây sặc, viêm phổi hít.

 Một số nghiên cứu cũng tìm thấy nguy cơ chất cồn làm lượng đường trong máu giảm tới mức báo động. Và theo một số báobáo khác( Bác sĩ Taylor McCormick - Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế Quận Los Angeles & Đại học Nam California), trẻ sơ sinh hấp thu và chuyển hóa chất có cồn nhanh hơn người lớn, thậm chí chỉ trong vòng dưới 30 phút sẽ có nguy cơ tử vong. Các ảnh hường về lâu dài chưa được nghiên cứu rõ.

Lời khuyên của bác sĩ

Bác sĩ khuyến cáo các gia đình không nên tận dụng các loại vỏ chai đựng nước đã dùng hết để đựng rượu hay các hóa chất khác. Nếu gia đình có chai lọ chứa các dung dịch dạng này cần dán tên nhãn và  để ở ngoài tầm tay trẻ em để tránh các trường hợp trẻ uống nhầm gây ngộ độc.

Khi phát hiện trẻ uống nhầm rượu hoặc các hóa chất khác, gia đình cần nhanh chóng đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, giải độc, không được tự chữa tại nhà, đặc biệt với trẻ sơ sinh. Khi đi mang theo chai trẻ uống nhầm để các bác sĩ xác định được loại độc nào để có hướng xử lý kịp thời và chính xác. Với trẻ lớn, nếu uống nhầm rượu, gia đình nên gây nôn (ói) cho trẻ ngay trước khi đưa đến cơ sở y tế.

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 545
Tổng số lượt truy cập: 6223785