Khoa CĐHA Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An triển khai chụp MRI chẩn đoán Rau tiền đạo và Rau cài răng lược
Rau tiền đạo (RTĐ) là hiện tượng rau thai bám một phần hoặc toàn bộ ở đoạn dưới tử cung và gây chảy máu vào 3 tháng cuối của thai kỳ cũng như trong chuyển dạ và sau khi sinh. Rau tiền đạo có khả năng gây tử vong cho mẹ và con do chảy máu và đẻ non. Vì vậy rau tiền đạo còn là một cấp cứu trong sản khoa.
Rau cài răng lược (RCRL) là sự bám bất thường của bánh rau vào cơ tử cung, gây chảy máu ồ ạt khi sổ rau. RCRL thường xảy ra ở phụ nữ mang thai có các yếu tố nguy cơ như rau tiền đạo (RTĐ), mổ lấy thai trước đó, tuổi mẹ cao, nạo hút buồng tử cung và can thiệp phẫu thuật tử cung trước đó. RCRL nếu không được chẩn đoán sớm và có kế hoạch can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và bé. Khoảng 90% sản phụ có RCRL phải truyền máu, trong đó hơn 40% phải truyền hơn 10 đơn vị. Tử vong mẹ chiếm khoảng 7% mặc dù đã truyền đủ máu, chăm sóc phẫu thuật kĩ. Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm trùng sau sinh do sót nhau, cắt tử cung, dò âm đạo, bàng quang, trực tràng cũng khá cao. Về phần thai, RCRL có nguy cơ dẫn đến sinh non, thậm chí tử vong chu sinh.
Hiện nay, tỷ lệ mổ lấy thai tăng lên đồng nghĩa với việc số bệnh nhân RTĐ có sẹo mổ đẻ cũ ngày càng tăng lên, do đó tỷ lệ RCRL cũng tăng lên, đặc biệt bệnh nhân có RTĐ trung tâm kèm tiền sử mổ đẻ nhiều lần.
Trong thời gian vừa qua, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận ngày càng nhiều trường hợp RTĐ, RCRL và được chẩn đoán sớm cũng như lên kế hoạch chăm sóc kĩ càng. Để đạt được điều này không thể không kể đến vai trò của CĐHA, đặc biệt là MRI. Khoa CĐHA Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã và đang tiến hành chụp MRI để chẩn đoán các bệnh lý bánh rau nói chung và bệnh lý RTĐ, RCRL nói riêng. MRI đã và đang được chú ý như một phương thức lựa chọn thay thế để đánh giá và chẩn đoán RCRL, đặc biệt trong các trường hợp xâm lấn sau và bên, là những vùng khó đánh giá bằng siêu âm. MRI cũng hữu ích cho việc lập kế hoạch phẫu thuật vì nó thể hiện chính xác vị trí của rau thai so với các cấu trúc lân cận (cổ tử cung, bàng quang và các thành bên của khung chậu).
Thời điểm thích hợp để chụp MRI là tuổi thai từ 24-30 tuần với các đặc điểm giúp chẩn đoán RCRL là:
- Bất thường ở bánh rau, cụ thể là:
Dải băng tối trong bánh rau
Bánh rau không đồng nhất
Lồi bánh rau:
Bờ không mịn và mép bánh rau tròn
Mạch máu rau thai bất thường và lộn xộn
- Bất thường mặt phân cách tử cung – rau: mỏng hoặc mất mặt phân cách
- Cơ tử cung mỏng
- Mất liên tục khu trú cơ tử cung
- Xâm lấn bàng quang hoặc các cấu trúc lân cận
Dấu hiệu khối lồi ra ngoài khu trú
Lều bàng quang
Chẩn đoán RTĐ dựa vào đo khoảng cách từ mép dưới bánh rau đến lỗ trong cổ tử cung và được phân ra thành các loại:
- Rau bám thấp: mép dưới bánh rau cách lỗ trong CTC 2cm
- Rau bám mép: mép dưới bánh rau lan tới lỗ trong CTC
- Rau tiền đạo bán trung tâm: bánh rau che kín một phần lỗ trong CTC
- Rau tiền đạo trung tâm: bánh rau bao phủ hoàn toàn lỗ trong CTC
Với những ca bệnh khó, phức tạp, được sự nhất trí của Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương, khoa CĐHA Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã kết nối hội chẩn trực tuyến với các Bác sĩ khoa CĐHA Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương. Sau khi hội chẩn, thống nhất để đưa ra được chẩn đoán và hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Qua ca bệnh này, Ths.BS Phạm Thị Thu - Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương đã có bài trao đổi “Tiếp cận MRI bánh nhau” với nội dung ngắn gọn, súc tích và rất thiết thực.
(Hình ảnh khoa CĐHA BVSNNA tại buổi hội chẩn trực tuyến với khoa CĐHA BV. Phụ Sản Trung Ương)
Hội chẩn trực tuyến với bệnh viện lớn tuyến Trung Ương sẽ được khoa CĐHA duy trì định kì, dự kiến 2 tuần một lần. Ngoài ra, khi có ca bệnh khó, phức tạp, khoa CĐHA Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An sẽ tiến hành kết nối hội chẩn trực tuyến với các Bác sĩ tuyến Trung Ương để đưa ra được chẩn đoán và hướng điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ cho cả mẹ và bé.