Đái tháo đường thai kỳ
I. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ trong thời gian mang thai. Bệnh thường phát triển từ tuần thai thứ 24 – 28 tuần. Cụ thể như :
- Đường máu lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
- Đường máu ở thời điểm 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
- Đường máu ở thời điểm 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
II. Nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường thai kỳ
Trong thời kỳ mang thai,cơ thể mẹ tiết ra một số hormone giúp thai nhi phát triển. Một vài hormone trong số này khiến cơ thể thai phụ khó sản xuất hoặc sử dụng insulin hơn.
Để giữ lượng đường trong máu ổn định, tuyến tụy của thai phụ phải tạo ra nhiều insulin hơn – gấp ba lần bình thường. Trong trường hợp tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin, lượng đường trong máu thai phụ sẽ tăng lên, gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.
III. Các yếu tố nguy cơ gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi
Đối với bà mẹ:
- Tăng huyết áp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tiền sản giật
- Sảy thai, thai lưu, đẻ non, đa ối
- Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thật sự trong tương lai , mắc đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai tiếp theo
Đối với thai nhi:
- Thai to,chậm phát triển trong tử cung
- Hạ canxi máu, đa hồng cầu, và tăng bilirubin máu gây nên vàng da sơ sinh
- Tăng nguy cơ hạ đường huyết sau sinh,dễ béo phì và tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
IV. Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý trong đái tháo đường thai kỳ
*Thực phẩm nên ăn
Gạo, ngô, khoai, sắn, bún, phở, bánh mì đen , gạo lứt , gạo xay sát dối và ngũ cốc nguyên hạt,…
Thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật như: thịt nạc, cá, tôm, cá nhỏ ăn cả xương,cua.
Các loại dầu thực vật: dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ôliu,…
Ăn các loại đậu các sản phẩm chế biến từ đậu như: đậu tương , đậu nành,…
Ăn nhiều chất xơ: Rau xanh, trái cây tươi ít ngọt như rau cải ,rau khoai lang, rau mồng tơi quả ổi, bưởi ,thanh long ,…
Chia nhỏ bữa ăn: Ngoài 3 bữa chính có thể thêm từ 2-3 bữa phụ và ăn ít lại ở các bữa chính.
Chế biến món ăn : hạn chế các món rán dùng mỡ động vật
Khi ăn thịt gia súc gia cầm thì nên bỏ da
Trái cây nên ăn cả miếng để có chất xơ, hạn chế xay sinh tố
Các loại khoai củ không nên chế biến dưới dạng nướng vì chỉ số đường máu cao
*Thực phẩm nên hạn chế
Miến dong, bánh mỳ trắng, các loại bột tinh chế như bột sắn dây,bột dong,…
Phủ tạng động vật như lòng, tim, gan, cật, mỡ động vật,
Hoa quả có hàm lượng đường cao:Na, mít, sầu riêng, chuối, hồng xiêm,…
*Thực phẩm không nên sử dụng
Đồ uống có chứa cồn, chất kích thích như rượu, bia, chè, cà phê..., nước có ga, nước đóng sẵn có chứa hương liệu...,hoa quả sấy khô.
Để có một cơ thể khoẻ mạnh cho mẹ và bé,hãy là người lựa chọn, sử dụng thông thái các nguồn thực phẩm phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của thai kỳ.
Khoa Tiết chế dinh dưỡng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An