Can thiệp bít dù điều trị ca bệnh tim bẩm sinh khó
Khoa Tim mạch cho biết, sau 3 tháng can thiệp bít dù bệnh tim bẩm sinh thông liên thất (dưới hai đại động mạch), sau khi xuất viện về nhà, đến nay, bệnh nhi N.C.T (13 tuổi, trú huyện Diễn Châu) đã ổn định sức khỏe, có thể sinh hoạt, đi lại bình thường. Sự hồi phục sức khỏe của trẻ đánh dấu ca can thiệp tim mạch khó đã thành công.
Tháng 6/2023, trẻ có dấu hiệu bị đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi. Gia đình đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Qua khai thác tiền sử và kết quả xét nghiệm máu, X-quang tim phổi, đo điện tim và siêu âm tim cho thấy bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh dạng thông liên thất, kích thước 3.1 mm.
Hình ảnh siêu âm tim của bênh nhân.
ThS, BS. Hoàng Văn Toàn (Phó TK Tim mạch) cho biết: Thông liên thất là dạng dị tật bẩm sinh tim không hiếm gặp. Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đã có trên 30 trẻ được can thiệp bít lỗ thông liên thất bằng kỹ thuật bít dù. Tuy nhiên, ca bệnh bé N.C.T. lại khó khăn, phức tạp hơn, bởi vị trí lỗ thông nằm dưới 2 đại động mạch, rất khó tiếp cận lỗ thông. Các bệnh nhân bị tim bẩm sinh thông liên thất có chỉ định bít dù thường gặp vị trí phần màng, có gờ chủ bám tốt. Riêng thông liên thất dưới hai đại động mạch thường có chỉ định phẩu thuật tim hở, rất ít ca bệnh có đủ tiêu chuẩn để thực hiện điều trị bằng phương pháp bít dù qua da. Phương án can thiệp tim mạch, hay chuyển mổ mở được Bệnh viện hội chẩn cẩn trọng.
Hình ảnh các bác sĩ thực hiện can thiệp bít dù cho bệnh nhân.
Bệnh nhi N.C.T. phát hiện bệnh khi đã lớn, cân nặng và hình thái lỗ thông có thể xem xét lựa chọn điều trị bằng phương pháp can thiệp bít dù qua da. Đây là phương án tối ưu, ít xâm lấn, không cần phải phẫu thuật. Kỹ thuật can thiệp tim mạch giúp trẻ tránh được ca đại phẫu, giảm đau đớn, không để lại sẹo; đồng thời, giảm chi phí điều trị, công sức, thời gian hồi phục sức khỏe nhanh chóng hơn. Sau khi làm can thiệp, bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn, chỉ cần siêu âm kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, phương pháp này đối với trường hợp của bệnh nhi T. có thể xảy ra tình trạng gây hở van Động mạch chủ, làm cho tình trạng bệnh của trẻ còn nặng nề hơn so với lúc chưa được điều trị, nên đòi hỏi Ê kíp can thiệp tim mạch phải đưa ra chiến lược cụ thể, tối ưu để thực hiện can thiệp cho bệnh nhi.
Ngày 13/06, bệnh nhi N.C.T. tiến hành can thiệp tim bẩm sinh bằng phương pháp bít dù sau khi êkip can thiệp tim mạch đã chuẩn bị phương án kỹ lưỡng. Bác sỹ can thiệp qua đường động mạch đùi, đem dụng cụ theo đường dẫn mạch máu lên tim, khéo léo thả từng cánh dù để đóng kín lỗ thông liên thất để xử lý vấn đề khiếm khuyết bẩm sinh. Sau hơn 1 giờ đồng hồ thực hiện, ca can thiệp được diễn ra thuận lợi và thành công, trẻ hồi phục và xuất viện sau đó 2 ngày.
Đây là một trong những ca bệnh khó, hiện tại, ở Việt Nam có dưới 10 ca mắc bệnh thông liên thất dưới hai đại động mạch được điều trị bằng phương pháp bít dù qua da này và thường được thực hiện tại các trung tâm tim mạch lớn, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Với những nỗ lực của êkip can thiệp tim mạch thực hiện kỹ thuật cao, đem lại kết quả tốt nhất cho sức khỏe người bệnh; thể hiện tâm đức người thầy thuốc, Ban Giám đốc Bệnh viện đã trao quyết định khen thưởng tới khoa Tim mạch trong đợt thi đua tháng 10 vừa qua.